Theo đó, sau khi Thượng viện Mỹ ngày 28/9 bỏ phiếu với tỷ lệ 97-1 thông qua việc bác quyền phủ quyết của Tổng thống Obama đối với dự luật "Công lý chống hành động bảo trợ khủng bố", Hạ viện Mỹ cũng tiến hành một phiên bỏ phiếu tương tự với kết quả chênh lệnh không kém là 348-77.

obama_spsv.jpg
Khuôn mặt thất vọng thấy rõ của ông Obama khi bị Quốc hội bác quyền phủ quyết Dự luật 11/9. Ảnh: AP

Việc lưỡng viện Quốc hội Mỹ bác quyền phủ quyết của Tổng thống Obama đối với Dự luật "Công lý chống hành động bảo trợ khủng bố" [còn gọi là Dự luật 11/9-ND] trong đó cho phép thân nhân các nạn nhân vụ 11/9 kiện Chính phủ Arab với cáo buộc liên quan đến vụ khủng bố ngày 11/9 đồng nghĩa với việc Dự luật này chính thức trở thành một Đạo luật.

Trong số những nghị sĩ bỏ phiếu trống tại cả hai viện Quốc hội Mỹ đáng chú ý có Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders và “phó tướng” cho bà Hillary Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng Tim Kaine.

Chính phủ Mỹ thất vọng ra mặt

Trước đó, Nhà Trắng đã lên tiếng cảnh báo rằng, việc thông qua Dự luật 11/9 sẽ tạo ra một tiền lệ cho phép các quốc gia khác kiện Mỹ vì những hành động của nước này tại nước ngoài.

Trong bức thư của Tổng thống Obama gửi lãnh đạo Thượng viện Mỹ ngày 27/9, ông Obama nhấn mạnh, Dự luật này sẽ có tác động lớn đến nguyên tắc Đặc miễn Quốc gia Ngoại quốc nhằm ngăn cản một công dân nước khác “bày tỏ nghi ngờ không cần thiết về chiến dịch chống khủng bố và các hoạt động khác mà Mỹ thực hiện hàng ngày”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng bày tỏ lo ngại của mình trong một bức thư khác. Trong đó, ông Carter cho rằng, việc đặt lợi ích của Mỹ trong tay của các tòa án quốc tế nếu bị một quốc gia nào đó kiện sẽ khiến an ninh quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng”.

“Việc này sẽ đẩy Mỹ vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi phải lựa chọn giữa việc chấp nhận công bố các thông tin mật hoặc nhạy cảm với việc có thể phải chịu những phán quyết bất lợi và danh dự quốc gia bị tổn hại nghiêm trọng nếu chúng ta không chấp nhận thực thi phán quyết đó”, ông Carter nhấn mạnh.

Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan cũng lên tiếng cảnh báo: “Hệ lụy nghiêm trọng nhất của việc thông qua Dự luật 11/9 sẽ rơi vào đầu chính các nhân viên Chính phủ Mỹ đang cần mẫn làm việc tại nước ngoài”.

Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest lên tiếng chỉ trích dữ dội: “Tôi phải khẳng định rằng, việc thông qua Dự luật 11/9 là điều đáng hổ thẹn nhất mà nước Mỹ phải trải qua kể từ năm 1983. Những nghị sĩ bỏ phiếu bác quyền phủ quyết của Tổng thống Obama đối với dự luật này sẽ phải tự vấn lại bản thân sau hành động này của họ ngày hôm nay”.

Quốc hội Mỹ muốn đòi lại công lý

Trong khi đó, các nghị sĩ Quốc hội Mỹ cho rằng, việc thông qua Dự luật 11/9 sẽ cho phép thân nhân các nạn nhân vụ khủng bố kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ tìm lại công lý cho người thân của mình.

Thượng nghị sĩ bang Texas John Cornyn tuyên bố: “Dự luật này là để thể hiện sự tôn trọng đối với tiếng nói và quyền lợi của các nạn nhân người Mỹ trong vụ 11/9”.

Ông Cornyn nhấn mạnh: “Thật là một điều thần kỳ khi chứng kiến các nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa thuộc cả 2 viện Quốc hội Mỹ cùng nhất trí bỏ phiếu bác quyền phủ quyết của Tổng thống Obama đối với Dự luật 11/9. Dự luật này sẽ giúp các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố trên chính đất Mỹ có cơ hội tìm lại công lý mà họ đáng được hưởng”.

Nghị sĩ Cornyn cũng lên án việc Tổng thống Obama bác dự luật này: “Ông ấy viện dẫn mối lo ngại rằng dự luật này sẽ khiến “mối quan hệ giữa Mỹ và một số đồng minh càng thêm phức tạp”. Tuy nhiên, sự thật là Dự luật này chỉ nhằm vào Chính phủ của các nước bảo trợ các hoạt động khủng bố trên đất Mỹ. Chỉ đơn giản vậy thôi”.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, Nghị sĩ Chuck Grassley khẳng định, thân nhân các nạn nhân vụ 11/9 ủng hộ Dự luật này và lên tiếng cáo buộc Tổng thống Obama chấp nhận “quỳ gối” trước sức ép từ Saudi Arabia.

“Điều mà thân nhân các nạn nhân vụ 11/9 mong muốn nhất là được trao cơ hội để đệ trình vụ việc của họ ra tòa và đó là việc mà nhánh lập pháp cần phải trao cho họ”, ông Grassley nói.

“Dự luật này bị Chính phủ Mỹ phản đối bởi Saudi Arabia đã lên tiếng phản đối việc này. Chính Saudi Arabia đã lên tiếng đe dọa Chính phủ Mỹ rằng nước này sẽ có hành động cụ thể nếu Quốc hội Mỹ “dám” sát cánh với người dân Mỹ và các thân nhân và nạn nhân của vụ 11/9 thay vì với Saudi Arabia”, ông Grassley lý giải.

Nghị sĩ bang New York Chuck Schumer cáo buộc: “Theo thông tin từ báo chí, giới chức Saudi Arabia đã thuê một đạo quân vận động hành lang hoạt động không ngừng nghỉ nhằm ngăn chặn việc Quốc hội Mỹ bác quyền phủ quyết Dự luật này của Tổng thống Mỹ trong những giây phút cuối cùng”.

Ông Schumer khẳng định: “Nhà Trắng và nhánh hành pháp của Mỹ chỉ quan tâm đến vấn đề ngoại giao, trong khi đó, chúng tôi quan tâm hơn đến số phận của các nạn nhân và thân nhân của họ cũng như đến công lý”./.