Sputnik Newsdẫn thông tin từ cuộc điều tra của phía Anh liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Alexander Litvinenko, ngày 21/1 cho thấy, 2 cựu đồng nghiệp của Litvinenko là Lugovoy và Dmitry Kovtun, đã tìm cách đầu độc Litvinenko bằng chất phóng xạ polonium-210.
Ông Andrey Lugovoy. Ảnh Telegraph |
Tuy nhiên, ông Lugovoy cho biết, nhiều khả năng ông cũng bị đầu độc bằng chính loại phóng xạ này sau khi gây án.
“Tôi nghi ngờ rằng tôi bị đầu độc cùng thời điểm Livinenko bị đầu độc. Tuy nhiên, tôi sống trong khách sạn của người Anh, sử dụng các chuyến bay của hãng hàng không Anh và gặp gỡ những người đại diện của phía Anh và chỉ có Chúa mới biết ai đã đầu độc tôi”, ông Lugovoy nói trong một chương trình phát trên kênh Rossiya 1 TV.
Lugovoy cũng kể lại rằng cả ông ta và Kovtun đã phải trải qua một thời gian dài điều trị tại Nga sau khi rời Anh.
“Do có liên quan đến việc Văn phòng Tổng Công tố Nga mở cuộc điều tra hình sự liên quan đến việc hai công dân Nga là Lugovoy và Kovtun bị đầu độc, chúng tôi đã phải trải qua những đợt điều trị kéo dài do bị ốm nặng”, ông Lugovoy nói.
Tuy nhiên theo ông Lugovoy, phía Anh đã không chấp nhận những tài liệu mà Ủy ban Điều tra của Nga cung cấp liên quan đến tình hình hiện tại của Logovoy và Kovtun.
Cựu điệp viên Litvinenko đã rời Nga sang Anh vào năm 2000 và chết vào năm 2006 chỉ 3 tuần sau khi uống trà cùng Kovtun và Logovoy ở London.
Sau khi Litvinenko qua đời, giới chức Anh tuyên bố hai người đồng nghiệp của cựu điệp viên này đã đầu độc ông ta bằng chất phóng xạ polonium-210 và Chính phủ Anh đã tiến hành cuộc điều tra chính thức về các chết của Litvinenko hồi tháng 7/2014.
Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố khẳng định, những gì giới chức Anh tiết lộ ngày 21/1 liên quan đến vụ Litvinenko bị đầu độc đã bị chính trị hóa và hoàn toàn không có sự minh bạch. Phía Nga khẳng định, thông tin này sẽ làm tổn hại đến quan hệ Moscow- London.
Trước đó, Lugovoy tuyên bố, ông ta đã vượt qua đợt kiểm tra nói dối do các chuyên gia Anh tiến hành. Điều này cho thấy, ông ta hoàn toàn không dính líu gì đến việc đầu độc cựu nhân viên tình báo Litvinenko.
Cũng theo ông Lugovoy, Cơ quan Tình báo Anh (MI6) đã tìm cách lôi kéo ông này về làm việc cho mình trước thời điểm ông Litvinenko bị ám sát.
“Litvinenko qua đời tháng 11/2006, nhưng vào khoảng tháng 3-4 năm đó, MI6 đã công khai mời tôi về làm việc cho họ và vào tháng 5 tôi đã bị từ chối visa và sau khi tôi gọi cho Litvinenko, tôi đột nhiên lại được cấp visa. Tôi đã nói điều này nhiều lần và không khó để kết nối hai việc này lại với nhau”, ông Lugovoy nói.
Ông Lugovoy cho biết, trước thời điểm tháng 5/2006, ông luôn nhận được visa vào Anh mà không gặp trở ngại gì.
“Họ luôn cấp visa cho tôi và rất nhiệt tình trong việc này cho đến tháng 5 khi tôi bị từ chối visa sau khi MI6 cố gắng để tuyển mộ tôi”, ông Lugovoy nói.
Ông Lugovoy khẳng định, ông không có ý định ra tòa để lấy lại thanh danh cho mình cũng như không định rời Nga để đến Anh sau khi có những thông tin mà phía Anh đưa ra.
“Tôi không quan tâm đến những gì họ nói. Tôi không định sang Anh hay biện hộ gì cho mình bởi nếu tôi làm như vậy sẽ khiến cho vụ việc này trở thành tâm điểm của sự chú ý, điều mà giới chức Anh rất mong chờ”, ông Lugovoy nói.