Trước thềm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, cộng đồng quốc tế đang chuẩn bị nhiều hoạt động kỷ niệm 20 năm ngày ra đời Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về quyền của phụ nữ. Các sự kiện, hoạt động kỷ niệm được tổ chức trong ngày 6/3 tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York.
Liên Hợp Quốc cho biết, Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh là tuyên ngôn mạnh mẽ nhất đấu tranh bảo vệ quyền của phụ nữ. Văn kiện này cũng vạch ra lộ trình cho bình đẳng giới và khuyến khích trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái trên khắp thế giới.
Theo Liên Hợp Quốc, cuộc đấu tranh đòi bình đẳng giới đã đạt được nhiều tiến triển. Ngày nay, ngày càng có nhiều trẻ em gái được đi học, tiếp cận giáo dục và tỷ lệ bà mẹ tử vong trong qúa trình mang thai sinh nở đã giảm một nửa.
Ngày càng có nhiều phụ nữ giữ các vị trí lãnh đạo ở các doanh nghiệp, tập đoàn, cơ quan chính phủ. Số nghị sỹ là nữ trong 20 năm qua đã tăng gấp đôi.
Tuy nhiên, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon lưu ý, vẫn còn nhiều phụ nữ là mục tiêu của bạo hành gia đình hoặc các hình thức bạo lực, hủ tục lạc hậu khác.
Tổng thư kí Ban Ki-moon nói: “Sự phân biệt kỳ thị đối với phụ nữ vẫn như bức tường kính dày. Chúng ta cần đập vỡ nó, chúng ta cần các nguồn lực để làm việc đó. Nhưng trước hết cần thay đổi nhận thức, tư duy đặc biệt ở nam giới”.
20 năm sau khi các chính phủ cam kết trao quyền bình đẳng hơn cho phụ nữ tại Hội nghị toàn cầu ở Bắc Kinh, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) sáng 6/3 ra báo cáo cho biết, phụ nữ tiếp tục bị phân biệt đối xử. Thể hiện rõ nhất là tại công sở, phụ nữ sinh con thường bị hạ lương.
Theo số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế, tại Anh, những lao động nữ nuôi con nhỏ được nhận lương thấp hơn 25% so với lao động nữ chưa có con. Tại Đức, mức chênh lệch này là 15%. Trên toàn cầu, đa số phụ nữ vẫn làm những công việc được trả lương thấp và điều đó đồng nghĩa với việc khi về già họ nhận lương hưu thấp hơn.
Tổ chức Lao động quốc tế cảnh báo nếu không có biện pháp quyết liệt, có lẽ phải mất 71 năm nữa, thu nhập giữa lao động nam và nữ mới thực sự bình đẳng./.