Ngày 5/3, Trung Quốc tuyên bố tăng ngân sách quốc phòng 12,2% trong năm 2014 lên mức 808,23 tỷ nhân dân tệ (tương đương 131,57 tỷ USD). Động thái này của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh sẽ tiếp tục theo đuổi kế hoạch mở rộng ảnh hưởng ở châu Á.

china-army1.jpg
Các binh sĩ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Theo kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng của Chính phủ Trung Quốc, nước này sẽ tập trung phát triển vũ khí công nghệ cao và tăng cường sức mạnh cho lực lượng hải quân, không quân.

Theo Reuters, với mức chi tiêu quân sự tăng đến hai con số của Trung Quốc, chi tiêu quốc phòng của nước này hiện đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Điều này cho phép Bắc Kinh có thể xây dựng một lực lượng hiện đại và tinh nhuệ hơn.

Rory Medcalf, một nhà phân tích an ninh khu vực tại Viện Lowy ở Sydney cho rằng: “Điều này sẽ khiến cho các nước láng giềng của Trung Quốc cảm thấy lo ngại, đặc biệt là Nhật Bản”.

Ông Medcalf nói thêm: “Sẽ không có chuyện Trung Quốc chuyển hướng tập trung phát triển kinh tế thay vì tăng cường sức mạnh quân sự sau khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này đã chậm lại. Trung Quốc đang rất quyết tâm để định hình môi trường chiến lược của họ”.

Mức tăng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc lên 12,2% trong năm 2014 đồng nghĩa với mức tăng lớn nhất kể từ năm 2011 đến nay (năm 2011, ngân sách Trung Quốc dành cho quốc phòng tăng 12,7%).

Trong diễn văn khai mạc kỳ họp thứ 2 quốc hội Trung Quốc khoá XII, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói: "Chúng ta sẽ tăng cường toàn diện bản chất cách mạng của lực lượng vũ trang Trung Quốc, tiếp tục hiện đại hóa và nâng cao năng lực của quân đội và tiếp tục tăng cường khả năng răn đe và khả năng chiến đấu trong thời đại thông tin".

Ông Lý Khắc Cường cho biết thêm: “Trung Quốc sẽ tăng cường nghiên cứu quốc phòng và phát triển các vũ khí, trang thiết bị công nghệ cao, nâng cao khả năng bảo vệ biên giới, bảo vệ vùng biển và vùng trời".

Trung Quốc nhiều lần lên tiếng khẳng định rằng, các nước khác không cần lo ngại vì chi tiêu quân sự của nước này vì chỉ nhằm mục đích phòng thủ. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh liên tục tăng ngân sách quốc phòng hàng năm với mức hai con số đã khiến các nước trong khu vực thực sự cảm thấy lo ngại.

Trung Quốc và Nhật Bản hiện có tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông. Tuyên bố đơn phương về chủ quyền với 3,5 triệu km2 trên Biển Đông của Trung Quốc cũng vấp phải sự phản đối kịch liệt của các quốc gia Đông Nam Á./.