Trước đó, vào ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo rằng chính quyền của ông quyết định cấm nhập khẩu dầu, khí đốt tự nhiên và than của Nga như một phần của gói trừng phạt nhằm phản ứng trước hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine. Uranium, hiện không được sản xuất ở Mỹ, đã không xuất hiện trong danh sách trừng phạt.

Phát biểu với các nghị sĩ và phóng viên hôm 21/3, Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết, chính quyền Nga đã thảo luận về kế hoạch đa dạng nguồn xuất khẩu dầu của Nga.

Khi được hỏi về ý tưởng ngừng xuất khẩu uranium sang Mỹ như một biện pháp “đáp trả” tiềm năng, ông Novak nói rằng “vấn đề này cũng có trong chương trình nghị sự và đang được xem xét”.

Theo RT, gần một nửa lượng uranium đang được các nhà máy điện hạt nhân của Mỹ sử dụng là nhập khẩu từ Nga, Kazakhstan và Uzbekistan, mặc dù Mỹ có trữ lượng đáng kể của riêng mình.

Các địa điểm khai thác uranium của Mỹ ở bang Texas và Wyoming đã bị hoang trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, một số công ty năng lượng bày tỏ sự sẵn sàng tiếp tục sản xuất theo thỏa thuận của các nhà sản xuất điện hạt nhân để cam kết các thỏa thuận lâu dài.

Nói về tác động của lệnh trừng phạt, Phó Thủ tướng Novak cho rằng việc Mỹ và Anh cấm vận nguồn năng lượng của Nga sẽ không đồng nghĩa với những tổn thất lớn đối với nền kinh tế Nga.

“Điều này ảnh hưởng đến chúng tôi ở mức độ thấp hơn bởi chúng tôi cung cấp nguồn năng lượng rất ít ở đó. Đối với Mỹ, chúng tôi cung cấp 3% tổng lượng dầu thô xuất khẩu và 7% sản phẩm dầu mỏ”, ông Novak giải thích.

Khi nhắc đến châu Âu, theo ông Novak, không có khả năng khu vực này sẽ cấm nguồn cung năng lượng xuất khẩu của Nga.

“Điều đó chắc chắn không thể xảy ra vào lúc này. Họ chưa tìm được nguồn cung thay thế dầu của Nga”, ông Novak nêu rõ và nói thêm rằng, trong trường hợp xấu nhất, Nga sẽ đa dạng hóa việc xuất khẩu dầu sang các thị trường châu Á.

Trong khi đó, theo báo cáo của Reuters, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) sẽ thảo luận về lệnh cấm đối với dầu của Nga như một phần của gói trừng phạt thứ 5./.