Theo Bộ Quốc phòng Nga, Mỹ đã đưa ra một cái cớ “vô căn cứ” để tiến hành cuộc tấn công nhằm vào Syria. 

Theo giới truyền thông Nga, ngày 26/4, đại diện của Nga tại Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) sẽ tổ chức một buổi họp báo tại trụ sở của tổ chức này ở Hà Lan, về vụ việc tấn công vũ khí hóa học tại thị trấn Douma của Syria mà Moscow cáo buộc là dàn dựng. Dự kiến sẽ có nhiều nhân chứng về vụ việc sẽ được mời đến buổi họp báo này.

tan_cong_ten_lua_rnwe.jpg
Ngày 14/4, Mỹ, Anh, Pháp đã tiến hành cuộc tấn công tên lửa nhằm vào Syria. Ảnh: Business Insider

Cuộc họp báo diễn ra không lâu sau khi Đài truyền hình Nga 24 (Russia 24) mới đây phát đi một đoạn phỏng vấn độc quyền cậu bé 11 tuổi có tên là Hassan Diab về việc cậu từng được mời để ghi hình cho đoạn băng về vụ tấn công hóa học tại Douma hôm 7/4 mà Tổ chức “Mũ bảo hiểm trắng” (White Helmet) cung cấp. Theo đoạn phỏng vấn này,  gia đình cậu bé đã nhận được một ít kẹo và gạo khi tham gia buổi ghi hình để “dàn dựng” cho vụ tấn công hóa học trên.

Không chỉ có những bằng chứng sống “xác thực” trong tay, Bộ Quốc phòng Nga với những lời lẽ rất “khoa học” hôm qua đã bác bỏ, việc các trụ sở của Syria mà Mỹ và đồng minh đã tấn công, chứa chất độc hóa học. Trung tướng Sergey Rudskoy thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga cho biết, hàng nghìn người có thể đã tử vong nếu như thực sự có bất cứ loại vũ khí hóa học nào tại các điểm mà Mỹ và đồng minh đã tấn công.

“Nếu đúng như Mỹ và phương Tây đã nói, rằng có những chất độc hại được lưu trữ trong những tòa nhà họ tấn công, sẽ có một sự nhiễm độc lớn sau cuộc vụ tấn công đó. Và vụ tấn công gần Damascus có thể đã giết chết hàng chục nghìn người”, ông Rudskoy nói.

Theo vị tướng của Nga, nhiều nhân viên từng làm việc trong các trụ sở nghiên cứu và người đi đường không hề mang theo các thiết bị bảo hộ đến nay vẫn vẫn an toàn khi đến thăm các địa điểm này sau vụ không kích. Ông Rudskoy tiết lộ, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học cũng đã xác nhận rằng không tìm thấy vũ khí hóa học nào tại trung tâm nghiên cứu Barzeh ở thủ đô Damascus – nơi Mỹ đã dùng tên lửa để san phẳng hôm 14/4.

Không chỉ dừng lại ở việc bóc mẽ cái cớ của vụ tấn công hay các mục tiêu tấn công của Mỹ và đồng minh chỉ là các địa điểm “dân sự”, phía Nga hôm qua một lần nữa nêu ra đánh giá chi tiết về độ hiệu quả của đợt tấn công của Mỹ, Pháp và Anh.

Trung tướng Sergey Rudskoy khẳng định, trong tổng số hơn 100 tên lửa “thông minh” được Mỹ, Pháp và Anh bắn vào Syria, chỉ có 22 tên lửa đến được mục tiêu. Theo vị tướng này, 2 quả tên lửa Tomahawk của Mỹ không phát nổ trong vụ tấn công và nhiều bộ phận của loại tên lửa này đã được chuyển tới Nga để nước này nghiên cứu nhằm cải tiến hơn nữa các hệ thống vũ khí của Nga.

Dù đợt tấn công vào Syria đã diễn ra được gần 2 tuần, song rõ ràng khác với đợt tấn công lần đầu tiên hồi tháng 4 năm ngoái, Mỹ đã gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ chính phủ Syria cùng với những phản ứng “cứng rắn” từ đồng minh của quốc gia Trung Đông này./.