Ngày 24/4, sau lễ đón chính thức, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã tổ chức hội đàm tại Nhà Trắng, thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng.

5441_krex.jpg
Tổng thống Pháp Macron (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo chung. Ảnh: AFP/Getty Images

Lễ đón chính thức Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân trong chuyến công du đến Mỹ diễn ra sáng 24/4 (giờ Mỹ), với 21 phát đại bác chào mừng và duyệt đội danh dự ngay tại Nhà Trắng, cùng sự hiện diện của nhiều quan chức nội các Mỹ.

Tổng thống Pháp Macron là nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên được Tổng thống Trump đón tiếp bằng nghi thức cao nhất-cấp nhà nước.

Ngay sau lễ đón, lãnh đạo hai nước đã tổ chức phiên hội đàm chính thức với nhiều nội dung quan trọng như số phận thỏa thuận hạt nhân Iran, cuộc chiến tại Syria, căng thẳng với Nga cho đến các vấn đề khác như mâu thuẫn thương mại, biến đối khí hậu…

Trong cuộc họp báo chung chậm hơn một giờ so với dự kiến, cả Tổng thống Mỹ và đồng cấp Pháp đều khẳng định quan hệ đồng minh lâu đời giữa hai nước là không thể phá vỡ và cam kết thúc đẩy mối quan hệ này ngày càng vững chắc hơn.

Hai bên cũng khẳng định sẽ tìm cách giải quyết các mâu thuẫn thương mại song phương, đặc biệt là việc Mỹ áp thuế đối với các sản phẩm nhôm và thép từ châu Âu, trong đó có Pháp.

Tuy nhiên, hai bên dường như chưa tìm được tiếng nói chung về số phận của thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như cuộc chiến Syria, hai vấn đề được quan tâm nhất trong chuyến thăm này.

Phát biểu trong cuộc họp báo, mặc dù cam kết cùng hợp tác tìm kiếm các biện pháp cứng rắn hơn để kiềm chế Iran, Tổng thống Pháp đã công khai thừa nhận sự khác biệt về quan điểm với chính quyền Mỹ: “Đây không phải là một bí mật, chúng tôi không có chung điểm xuất phát cũng như quan điểm về thỏa thuận hạt nhân Iran. Không ai trong chúng tôi có thói quen thay đổi quan điểm. Và tôi chỉ có thể nói rằng chúng tôi đã thảo luận hết sức thẳng thắn”.

Khi được hỏi về tuyên bố hai bên đang xúc tiến một thỏa thuận mới về Iran, ông Macron cho rằng, hai bên không thảo luận việc bỏ thỏa thuận cũ mà chỉ là bổ sung vào thỏa thuận mới. Trong đó, vấn đề hạt nhân chỉ là một trong bốn trụ cột, bao gồm các hoạt động hạt nhân hiện tại, chương trình hạt nhân dài hạn, chương trình tên lửa đạn đạo và ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

Hiện châu Âu, đặc biệt là Anh, Pháp và Đức đang cố thuyết phục Mỹ ở lại thỏa thuận Iran, khẳng định rằng đây là cơ hội duy nhất để ổn định khu vực cũng như kiềm chế các hoạt động hạt nhân của Iran ít nhất là cho đến năm 2025.

Đổi lại, Tổng thống Trump mặc dù không nhắc lại đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng tuyên bố chưa biết điều gì sẽ xảy ra sau ngày 12/5 tới. Đây là hạn chót mà chính quyền Tổng thống Trump đặt ra yêu cầu các bên phải sửa đổi thỏa thuận hạt nhân nếu không Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận này.

Tổng thống Trump cho biết: “Hiện nay đang có cơ hội và không ai biết tôi sẽ làm gì sau thời hạn 12/5. Nếu có thỏa thuận thì phải là một thỏa thuận mới với các nền tảng vững chắc chứ không phải với các nền tảng yếu kém như hiện nay. Đây là một thỏa thuận tồi, đang sụp đổ và không bao giờ nên được thực hiện”.  

Về vấn đề Syria, Tổng thống Trump tiếp tục nhắc lại cam kết sẽ sớm rút quân về nước. Ông Trump cho rằng châu Âu, đặc biệt là Pháp, Đức, Anh và các nước khu vực sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong quá trình ổn định và tái thiết tại Syria.

Hiện Pháp đang muốn thuyết phục Mỹ tiếp tục can dự, không rút quân khỏi Syria, trong khi Nhà Trắng và Tổng thống Trump để ngỏ khả năng không tham gia tái thiết Syria sau khi lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh bại.

Chuyến thăm 3 ngày của ông Macron từ 23-25/4 đến Mỹ được xem là phép thử quan trọng cho quan hệ Mỹ-Pháp nói riêng cũng như quan hệ hai bờ Đại Tây Dương nói chung.

Pháp được xem là quốc gia có quan hệ tốt nhất với Mỹ trong số các nước EU, khi có chung quan điểm với Nhà Trắng về nhiều vấn đề như tăng ngân sách Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tăng ngân sách quốc phòng, tăng quân đến Iraq, Syria, tăng cường hợp tác chống khủng bố tại châu Phi…

Quan hệ cá nhân giữa ông Macron và ông Trump cũng được xem là nồng ấm nhất khi so sánh với một số lãnh đạo châu Âu như Anh hay Đức. Cho đến thời điểm này, có thể thấy rằng Tổng thống Pháp dường như chưa thành công trong việc thu hẹp các bất đồng giữa hai nước, cũng như giữa hai bờ Đại Tây Dương./.