Lời khẳng định này được đưa ra hôm qua (11/12) trong cuộc gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhân chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Syria.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh nỗ lực chấm dứt chiến sự tại Syria đang bước vào “giai đoạn mới” khi trọng tâm từ hoạt động chiến sự đã chuyển sang bình diện giải pháp chính trị.
Theo Tổng thống Putin, với sự giúp đỡ của Nga, Syria đã duy trì được vị thế của một quốc gia độc lập và có chủ quyền, tạo được điều kiện thuận lợi cho giải quyết các vấn đề trong nước bằng các giải pháp chính trị dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc.
Phát biểu trong chuyến thăm bất ngờ tới căn cứ quân sự Hmeimim ở Syria, Tổng thống Nga Putin tuyên bố: “Trong vòng chưa đầy 2 năm, lực lượng vũ trang Nga cùng với quân đội Syria đã đánh bại nhóm khủng bố quốc tế hiếu chiến nhất hoạt động trên lãnh thổ Syria. Vì vậy, tôi vừa quyết định rút một phần lực lượng đóng tại Syria về nước”.
Theo giới phân tích, trong bất kỳ trường hợp nào, quyết định tuyên bố rút quân của Nga không có nghĩa là 100% lực lượng Nga sẽ rời khỏi Syria. Nga sẽ vẫn duy trì căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Hmeimim ở Syria với một số lực lượng thường trực nhất định. Nhưng cũng từ tuyên bố này, lực lượng vũ trang Syria sẽ bắt đầu đảm nhiệm sứ mệnh then chốt bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước mình.
Cũng theo các nhà quan sát, chính phủ Nga được cho là đang lên kế hoạch hoàn thành chiến dịch quân sự tại Syria vào cuối năm 2017, sau đó rút bớt lực lượng, phương tiện chiến tranh về nước, phù hợp với phương pháp giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria chuyển từ các biện pháp quân sự sang các giải pháp chính trị.
Đặc biệt, trong chuyến thăm chớp nhoáng tới Syria ngày 11/12, Tổng thống Nga Putin đồng thời bày tỏ hy vọng có thể triển khai công việc của Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria.
Sáng kiến tổ chức Đại hội Đối thoại dân tộc Syria tại Sochi, Nga, được đưa ra trong cuộc họp thượng đỉnh tại thành phố Sochi giữa lãnh đạo ba nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng trước. Cả 3 nước ủng hộ sáng kiến tổ chức Đại hội Đối thoại dân tộc Syria tại Sochi, đồng thời nhất trí xem xét vấn đề thời gian và thành phần tiến hành sự kiện quan trọng này, nhằm bảo đảm sự tham gia rộng rãi của các phe phái ở Syria. Tuy nhiên, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) và Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở Syria tham gia hội nghị hòa bình, trong khi đây đều được cho là những bên quan trọng trong cuộc xung đột tại Syria.
Tuyên bố rút quân khỏi Syria của Tổng thống Putin ẩn chứa điều gì?
Cũng phải nhắc lại rằng, lâu nay, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đứng về hai bên khác nhau trong cuộc nội chiến Syria. Cụ thể, Ankara ủng hộ lực lượng nổi dậy chống lại chính quyền của Tổng thống al-Assad vốn được Moscow hậu thuẫn.
Tuy nhiên, với tuyên bố muốn “bắt tay” Thổ Nhĩ Kỳ và Iran để khởi động tiến trình hòa bình Syria mà Tổng thống Putin vừa đưa ra, chính phủ Nga đã cho thấy rõ quyết tâm trong việc “nắm bắt cơ hội thực sự" để chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài nhiều năm qua tại Syria.
Ghi nhận vai trò đặc biệt của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ trong tiến trình Astana, Kazakhstan, cũng như trong việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thành lập các khu vực giảm căng thẳng, Tổng thống Nga Putin kỳ vọng 3 nước sẽ tiếp tục nỗ lực tối đa để hướng tới tạo điều kiện cho nhân dân Syria tự lựa chọn tương lai và thống nhất các nguyên tắc thể chế nhà nước.
Mặc dù thừa nhận để đạt được những tiến triển đột phá trong việc thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria là không hề dễ dàng, song Tổng thống Nga vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đồng thuận và nhượng bộ từ tất cả các bên liên quan tới xung đột kéo dài 6 năm tại quốc gia đầy bất ổn này. Tổng thống Nga vẫn đặt niềm tin vào thực tế rằng Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nỗ lực hết sức để “hiện thực hóa” giải pháp chính trị khả thi cho Syria, mà trước mắt chính là tập trung việc chuẩn bị cho Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria./.