Đây có thể xem là một bước ngoặt lớn trong nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt một trong những cuộc nội chiến được xem là dai dẳng nhất tại Trung Đông.

aleppo_ciya.jpg
Hình ảnh thành phố Aleppo tan hoang trong các cuộc nội chiến. Ảnh: Reuters

Toàn thể 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó có cả những nước lâu nay vẫn được xem là đối đầu về lập trường như Nga, Trung Quốc, Pháp và Mỹ ngày 19/12 đều nhất trí ủng hộ nghị quyết do Pháp đề xuất về vấn đề Aleppo.

Theo Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power, nếu được thực thi, Nghị quyết 2328 sẽ cho phép triển khai nhanh chóng các quan sát viên Liên Hợp Quốc tới Aleppo nhằm giám sát, cũng như đảm bảo an ninh cho hoạt động sơ tán, tạo điều kiện hỗ trợ nhân đạo và chăm sóc y tế khẩn cấp cho người dân.

“Tôi hy vọng nghị quyết sẽ giúp ngăn chặn các nhóm vũ trang tấn công dân thường khi họ rời thành phố. Nhiệm vụ của chúng ta là đảm bảo các quan sát viên quốc tế được triển khai nhanh chóng và hạn chế tối đa những mối nguy cơ đối với dân thường, mà cuộc sống của họ đã bị mất mát quá nhiều do chiến tranh”, bà Power nói.

Nghị quyết ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế. Theo Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Francois Delattre, đây là nền tảng quan trọng cho những bước đi tiếp theo nhằm tránh tái diễn những thảm họa tương tự cho thành phố Aleppo nói riêng và Syria nói chung.

Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shukri thì kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiếp tục phát huy vai trò của mình nhằm chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột.

“Chúng tôi hoan nghênh việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đạt được sự nhất trí về vấn đề triển khai quan sát viên tới Aleppo. Chúng tôi kêu gọi Hội đồng Bảo an tiếp tục thể hiện trách nhiệm của mình nhằm chấm dứt cuộc xung đột và tiếp tục những nỗ lực nhằm làm thất bại mọi tổ chức khủng bố đang lợi dụng tình hình bất ổn tại Syria để thực hiện các mưu đồ chính trị của mình”, ông Shukri nói.

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura cùng ngày cũng hoan nghênh việc Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết về Aleppo.

Theo ông de Mistura, điều quan trọng mang tính sống còn hiện nay là tận dụng bước tiến này để thúc đẩy những bước đi tiếp theo và hành động tích cực nhằm khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình tại Syria. 

Ngay sau cuộc bỏ phiếu, ông de Mistura đã gửi thư mời các phe phái đối lập tại Syria gặp nhau vào ngày 8/2 năm tới tại Geneva (Thụy Sĩ) để nối lại các cuộc đàm phán hòa bình.

Tới nay, mọi cuộc đàm phán gián tiếp dưới sự thúc đẩy của đặc phái viên Liên Hợp Quốc de Mistura đều không đạt kết quả, mà vướng mắc lớn nhất vẫn chính là vai trò của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Song, việc lần đầu tiên sau 6 năm Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc có thể thông qua một nghị quyết về Syria đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc chiến.

Dường như các bên đều ý thức được rằng, nếu những xung đột tại Syria bị đẩy đi quá xa thì sẽ khó lòng cứu vãn được, sẽ chỉ càng đào sâu hơn những mâu thuẫn và bất đồng.

Dù việc triển khai thỏa thuận trên thực tế chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, song rõ ràng, kết quả đạt được ngày 19/12 sẽ khai thông những lối thoát mới cho cuộc khủng hoảng Syria./.