Người phát ngôn nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, Eduard Basurin ngày 14/10 tuyên bố, nếu máy bay mang số hiệu MH17 bị bắn từ dưới mặt đất thì các bằng chứng và bản đồ đều đã khẳng định chiếc máy bay này chỉ có thể bị bắn từ vùng lãnh thổ khi đó thuộc quyền kiểm soát của quân đội Ukraine.
Những mảnh vỡ còn sót lại của chiếc Boeng 777 bị bắn rơi hôm 17/7/2014 được đưa về Hà Lan để phục dựng. Ảnh Reuters |
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Cơ quan Hàng không Liên bang Nga Oleg Storchevoy cho biết, Ủy ban điều tra quốc tế do Hà Lan dẫn đầu đã không đưa ra bằng chứng về việc tìm thấy trên thân máy bay các thành phần đặc trưng của tên lửa trong khi thành phần này hoàn toàn khác với những gì nêu ra trong bản báo cáo.
Cũng theo ông Storchevoy, Ủy ban này cũng đã không tiến hành các phân tích cần thiết về thép chế tạo tên lửa Buk và khu vực tên lửa được bắn đi được xác định dựa trên nhưng phân tích không đúng đắn.
Ông Storchevoy cho biết, Ủy ban điều tra quốc tế về vụ máy bay MH17 đã không thông báo cho Nga nhiều thông tin quan trọng về việc tại hiện trường máy bay rơi đã tìm thấy các mảnh vỡ được cho là của tên lửa Buk. Vai trò của Nga trong Ủy ban chỉ là cung cấp thông tin trong khi các chuyên gia Nga không được phép tới hiện trường.
Ngoài ra, Phía Hà Lan cũng đã không xem xét các đánh giá của Nga đối với bản dự thảo báo cáo và các câu trả lời của phía Hà Lan không có có cơ sở. Nga cũng đã mời các chuyên gia Ủy ban điều tra quốc tế tới Nga để tìm hiểu về đặc điểm của tên lửa Buk nhưng đã không nhận được câu trả lời.
Cuối cùng, ông Storchevoy nhấn mạnh, Nga chưa có bằng chứng chắc chắn khẳng định máy bay MH17 bị tên lửa Buk bắn hạ, do đó cuộc điều tra vẫn phải tiếp tục và cần phải do Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc dẫn đầu.
“Trước hết, chúng tôi rất quen thuộc với những tài liệu này. Tôi có thể nói rằng Nga không tán thành kết luận của báo cáo cuối cùng này. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Nga không bao giờ cổ xúy một phiên bản chắc chắn nào vì không muốn gây áp lực cho Ủy ban điều tra.
Chúng tôi kêu gọi một sự xem xét cẩn thận tất cả những dữ liệu và phân tích tất cả những biến số của sự kiện này. Thật đáng tiếc là phía Nga đã bị gạt ra khỏi cuộc tìm kiếm và phân tích”, ông Storchevoy nói.
Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày cũng đã có phản ứng chính thức đối với bản báo cáo điều tra cuối cùng của Hà Lan về vụ rơi máy bay mang số hiệu MH17.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, nước này hoài nghi về mục đích thực sự của cuộc điều tra do Hà Lan thực hiện liệu có phải là tìm ra nguyên nhân của vụ máy bay rơi hay là biện hộ cho những cáo buộc được đưa ra từ trước.
Bà Zakharova nhấn mạnh việc Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte kêu gọi Nga hợp tác trong vụ điều tra máy bay rơi là “kì lạ” vì nước này vốn luôn sẵn sàng hợp tác ngay từ khi xảy ra thảm hoạ, nhưng sau đó vì các lý do khác nhau mà Nga đã không được tham gia cuộc điều tra.
Nga đã mời các chuyên gia Hà Lan tới để chia sẻ các kết quả điều tra của mình nhưng phía Hà Lan đã không hưởng ứng. Cuộc điều tra cũng đã phớt lờ kết luận của công ty Almaz-Antei, công ty chế tạo tên lửa Buk.
Quan chức Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ yêu cầu rằng phía Ukraine phải cung cấp bản ghi âm cuộc đàm thoại giữa các điều phối viên không lưu cũng như thông tin về hoạt động của các phương tiện phòng không của Ukraine trong khu vực đã không được phản hồi.
Sau khi bản báo cáo vừa được công bố, một số nước đã lập tức đưa ra bình luận chính thức. Vì vậy, Nga tuyên bố cần phải tiếp tục cuộc điều tra với sự tham gia của tất cả các nước có tài liệu có thể làm rõ vụ máy bay rơi và sẵn sàng tham gia cuộc điều tra này./.