Ban An toàn Hà Lan hôm nay (13/10) đã công bố bản báo cáo cuối cùng của mình về vụ rơi máy bay MH7 của hãng hàng không Malaysia vào tháng 7/2014.
Các mảnh vỡ của chiếc máy bay MH17. Ảnh: AP |
Vụ tai nạn máy bay tại miền đông Ukraine đó đã khiến toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng.
Các nhà điều tra cho biết, quả tên lửa đất đối không Buk nổ cách buồng lái máy bay chưa đầy 1m và các mảnh vỡ từ tên lửa đã được tìm thấy bên trong thi thể 3 thành viên phi hành đoàn có mặt trong buồng lái.
Tên lửa tác động vào mặt trước phía trái của máy bay, khiến cho một phần của máy bay bị vỡ ra.
Ban An toàn Hà Lan đã cung cấp các phát hiện này cho thân nhân các nạn nhân trước rồi mới thông báo cho phóng viên tại căn cứ quân sự Gilze-Rijen ở Hà Lan.
Chết hoặc bất tỉnh ngay lập tức
Theo báo cáo, các nạn nhân trên chiếc máy bay xấu số đã bất tỉnh gần như lập tức sau khi tên lửa nổ.
Người đứng đầu Ban An toàn Hà Lan, Tjibbe Joustra, trình bày bản báo cáo này. Ông cho biết: “Một đầu đạn 9M314M phát nổ bên ngoài buồng lái máy bay. Loại đầu đạn này trùng với loại lắp trong hệ thống tên lửa đất đối không Buk”.
Joustra cho biết các hành khách nào mà không chết ngay do tác động của quả tên lửa thì cũng bất tỉnh do giảm áp suất đột ngột và thiếu oxy ở độ cao hơn 9km.
Cabin và khoang thương gia của chiếc Boeing 777 xấu số được đặt bên trong căn cứ quân sự Gilze-Rijen. Các chuyên gia đã phải kỳ công ghép các mảnh vỡ lấy về từ Ukraine để phục dựng lại các bộ phận này của chiếc phi cơ.
Tại cuộc họp báo, Ban An toàn Hà Lan đã cho phóng viên xem một số bộ phận của máy bay được lắp ghép lại sau khi được đưa về từ khu vực Donetsk (Ukraine).
Hình ảnh bộ phận được phục dựng lại của máy bay MH17, đường bay, nơi có mảnh vỡ máy bay. |
Mâu thuẫn về loại tên lửa Buk
Trưởng Ban An toàn Hà Lan cũng cho biết, phía Nga đã bác bỏ mẫu tên lửa mà phía Hà Lan đưa ra. Phía Nga tuyên bố, tên lửa trong vụ này là một quả tên lửa loại 9M38, chứ không phải là 9M314M.
Hãng Almaz-Antey của Nga - hãng sản xuất tên lửa Buk, trước đó tuyên bố rằng theo cuộc điều tra của riêng họ, nếu máy bay trúng tên lửa Buk thì quả tên lửa đó phải được phóng đi từ làng Zaroshenske mà Nga khẳng định là khi đó nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ Ukraine.
Chính phủ Ukraine và các nước phương Tây từ lâu đã đổ lỗi về vụ việc này lên lực lượng nổi dậy ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên quân đội Ukraine cũng có tên lửa Buk trong kho vũ khí của mình.
Kết luận do cơ quan trên của Hà Lan đưa ra đã được chờ đợi từ lâu. Tuy nhiên nó không nói rõ ai đã phóng quả tên lửa. Ban An toàn Hà Lan cũng không có thẩm quyền xử lý các vấn đề về trách nhiệm.
Báo cáo của cơ quan này xem xét 4 vấn đề chính sau: (1) Nguyên nhân khiến máy bay vỡ trên không, (2) Lý do máy bay bay qua vùng xung đột, (3) Lý do vì sao một số thân nhân phải đợi tới 4 ngày mới được xác nhận chính thức là những người thân yêu của họ có mặt trên máy bay, và (4) Mức độ hành khách và phi hành đoàn nhận biết những gì đang xảy ra vào các khoảnh khắc cuối cùng.
Báo cáo cũng cho rằng chiếc phi cơ MH17 không nên bay qua miền đông Ukraine và quốc gia này nên đóng cửa không phận đối với hàng không dân dụng.
Trưởng Ban An toàn Hà Lan Joustra nói rằng có khoảng 160 phi cơ sử dụng chung đường bay với MH17 vào ngày định mệnh 17/7/2014.
Ông nói: “Không ai nghĩ máy bay dân dụng bay ở độ cao hành trình thì lại đối mặt với nguy hiểm như vậy”.
Chiếc phi cơ chở khách MH17 đang bay theo lộ trình từ Amsterdam (Hà Lan) tới Kuala Lumpur (Malaysia) thì bị rơi ở miền Đông Ukraine.
Trong số các nạn nhân có 196 công dân Hà Lan và 10 công dân Anh./.