Đây là một dự án có ý nghĩa biểu tượng cao cho thấy mối quan hệ đang ấm dần lên giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh Nga đang nỗ lực thoát khỏi ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng như tìm kiếm những tuyến đường ống mới giúp đưa nguồn nhiên liệu khí đốt từ Nga sang các quốc gia châu Âu khác.

putin_khoi_dong_chay_tho_nhi_ky_sputnik_hvqi.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) khởi công "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" và điện đàm thông báo cho Tổng thống Erdogan cột mốc quan trọng này. Ảnh: Sputnik.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đích thân tham gia lễ khởi công dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” ngoài khơi Biển Đen và có cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để hoan nghênh những bước tiến nhanh chóng trong việc triển khai dự án này trên thực tế. Theo ông, nếu như Nga phải  mất đến nhiều năm để có thể đạt được thỏa thuận hợp tác với các nước khác thì đối với Thổ Nhĩ Kỳ, các bên chỉ mất vài tháng.

Cũng như các dự án hệ thống đường ống “Dòng chảy phương Bắc” (Nord Stream) hay “Dòng chảy phương Nam” (South Stream), “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” là một trong những nỗ lực của Nga nhằm loại bỏ Ukraine ra khỏi lộ trình dẫn khí đốt của mình sang châu Âu, đồng thời là một con bài để “mặc cả” với phương Tây.

Một khi đi vào hoạt động, “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” dự kiến sẽ giúp vận chuyển 63 tỉ m3 khí đốt mỗi năm qua Biển Đen, tới Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu ở điểm kết nối Hy Lạp. Đánh giá về tầm quan trọng của dự án này, trong cuộc điện đàm với người đứng đầu Nhà nước Nga, Tổng thống Erdogan khẳng định, “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” sẽ giúp cung cấp khí đốt trực tiếp cho Thổ Nhĩ Kỳ mà không phải qua bất kỳ một nước trung gian nào khác.

“Đây là một dự án lịch sử, một biểu tượng rõ ràng nhất cho khái niệm ‘cùng thắng’, cũng như cách tiếp cận của chúng ta trong vấn đề năng lượng, coi đây là một công cụ để thúc đẩy hòa bình chứ không phải là nguyên nhân gây mâu thuẫn” – ông Erdogan nói.

Trên thực tế, dự án này đã được công bố từ năm 2014, giữa lúc dự án Dòng chảy phương Nam qua biển Đen và Bulgaria bị đình lại do những bất đồng giữa Nga và Liên minh châu Âu liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine.

Tuy nhiên, vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga làm 2 phi công thiệt mạng hồi tháng 11 năm 2015 đã khiến Nga - Thổ “hục hặc” và “làm đóng băng” dự án tối quan trọng này.

Quan hệ hai nước chỉ bắt đầu ấm dần lên từ đầu năm 2016 và được đánh dấu bằng sự hợp tác trong giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Dự kiến, toàn bộ hệ thống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được xây dựng hoàn tất và đưa vào vận hành trước cuối năm 2019.

Phát biểu trong cuộc gặp Tổng giám đốc tập đoàn dầu khí đa quốc gia Shell hồi tuần này, Tổng thống Nga Putin khẳng định, dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” không nhằm chống lại bất kỳ ai và chỉ thuần túy vì mục đích thương mại. Xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu đã đạt mức kỷ lục hồi năm ngoái bất chấp quyết tâm của châu Âu giảm dần sự phụ thuộc vào Nga.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những dự án như “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” có thể xem là một thắng lợi kép đối với Nga, không những giúp nước này chủ động khôi phục nền kinh tế trước đòn cấm vận của Liên minh châu Âu, mà còn làm gia tăng ảnh hưởng và vai trò của nước này trong những vấn đề liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine, vốn đang đẩy Nga và các nước phương Tây vào một cuộc đối đầu lập trường chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh./.