Các nhà lãnh đạo Nga hôm qua (26/11) tái khẳng định cam kết sẽ ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Qua đó, Nga hâm nóng lại vấn đề tìm lối thoát chính trị cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này trong bối cảnh phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang kiểm soát một phần lãnh thổ phía Bắc của Syria.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với ông Mualem, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết: “Nga đã nỗ lực làm việc trong nhiều tháng qua với các nhóm đối lập ở Syria và tất nhiên là với cả chính phủ Syria, liên hệ hàng ngày với các bên để họ hiểu sự cần thiết phải hợp tác vì lợi ích của đất nước và nhân dân họ. Chúng tôi cũng đã thông báo những nỗ lực này với các đối tác phương Tây và các nước trong khu vực, đặc biệt là những bên có liên hệ trực tiếp với một số nhóm ở bên trong Syria. Chúng tôi kêu gọi họ tạo ảnh hưởng tích cực để họ đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết. Tôi hy vọng điều này sẽ đem lại kết quả tốt đẹp.”
Nga tái khẳng định sẵn sàng chủ trì đối thoại hòa bình Syria nhưng đến nay vẫn chưa rõ ai sẽ đại diện cho phe đối lập hỗn tạp của nước này. Phương Tây ủng hộ “Liên minh Dân tộc các Lực lượng Cách mạng và Đối lập Syria” có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ song Nga cho rằng phe đối lập Syria cần phải bao gồm nhiều lực lượng chính trị xã hội hơn nữa. Nga không mời Liên minh Dân tộc Syria đến bất cứ cuộc đối thoại nào song Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov đã gặp đại diện nhóm này ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, cách đây 6 tuần để thảo luận về việc nối lại tiến trình chính trị.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng tái khẳng định cam kết sẽ hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad chống lại chủ nghĩa khủng bố ở Trung Đông. Nga cho rằng, sự trỗi dậy của phiến quân Nhà nước Hồi giáo ở Syria đặt ra một nhu cầu cấp bách phải đoàn kết tất cả các lực lượng tại quốc gia bất ổn này để chống lại chủ nghĩa khủng bố. Ngoại trưởng Nga chỉ trích Mỹ vì đã chối bỏ sự thật đó.
Một số nhà phân tích phương Tây cho rằng, động thái của Nga hâm nóng vấn đề tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria là một dấu hiệu cho thấy Tổng thống Vladimir Putin bắt đầu quan ngại về thông tin người đồng cấp Mỹ Barack Obama đang xem xét lại chính sách đối với Syria.
Theo giới quan sát, Tổng thống Obama đã nhận ra rằng, ông không thể tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Trung Đông mà không xem xét đến những mối liên quan giữa cuộc chiến này với những bất ổn và xung đột xuyên biên giới ở Iraq cũng như Syria. Vấn đề mấu chốt là cuộc khủng hoảng kép mang tên Nhà nước Hồi giáo và bất ổn Syria có mối liên hệ không thể tách rời. Bởi một Syria tiếp tục bất ổn sẽ là mảnh đất màu mỡ để phát triển chủ nghĩa cực đoan khủng bố của nhóm phiến quân này.
Đến nay Mỹ vẫn từ chối hợp tác với chính phủ Syria trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng nhưng thực tế quân đội của ông Assad cũng đang tiến hành các cuộc không kích nhằm vào Raqqa thành trì của nhóm phiến quân này ở phía Bắc Syria, song song với các chiến dịch không kích của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu. Chính phủ Mỹ biết rằng các cuộc không kích của liên quân nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo có thể có lợi cho chính phủ Syria, song khẳng định họ không hợp tác với quân đội của ông Assad và không coi đây là một lực lượng trong chiến dịch quân sự ở Iraq và Syria./.