Tổng thống Nga Vladimir Putin chiều 18/12 đã có cuộc họp báo quốc tế thường niên, nêu rõ lập trường rắn của Nga trong giải quyết khủng hoảng là cần xây dựng một không gian an ninh chung, chứ không phải dựng lên một bức tường cấm vận và ngăn cách.
Cùng ngày, Mỹ và Liên minh châu Âu cũng thể hiện quan điểm của mình trong việc trừng phạt Nga liên quan đến khủng hoảng Ukraine. Trong đó, Tổng thống Mỹ đã ký một dự luật cho phép mở rộng trừng phạt Nga.
Trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo quốc tế thường niên về cuộc "Chiến tranh Lạnh" mới Tổng thống Nga Putin ngày 18/12 nhấn mạnh, Moscow muốn thiết lập quan hệ bình đẳng với phương Tây trên cơ sở tôn trọng các lợi ích quốc gia của nhau.
Nga cứng rắn và sẽ còn cứng rắn hơn trong việc bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình, song không "tấn công" ai. Đề cập tình hình miền Đông Ukraine, ông Putin cho biết Nga sẵn sàng làm trung gian để khôi phục hòa bình ở quốc gia láng giềng. Ông cũng nhấn mạnh cần thực hiện thỏa thuận ngừng bắn Minsk.
Nguy cơ “Chiến tranh Lạnh” mới bắt nguồn từ khủng hoảng Ukraine đang trở nên rõ ràng hơn, khi đối đầu Đông-Tây đã leo thang căng thẳng chưa từng có vì vấn đề Ukraine. Một bên là Nga và bên kia là Mỹ các các đồng minh châu Âu đều giữ lập trường cứng rằng của mình trong mối quan hệ này.
Cùng ngày 18/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký một dự luật cho phép chính phủ tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, chưa có trừng phạt mới nào được công bố. Dự luật này cũng cho phép chính quyền của Tổng thống Mỹ cung cấp vũ khí chống tăng, máy bay do thám và các trang thiết bị quân sự khác cho quân đội chính phủ Ukraine.
Song Tổng thống Mỹ cũng chưa có kế hoạch cho việc sử dụng vũ khí để hạ nhiệt căng thẳng tại miền Đông Ukraine. Tổng thống Obama cho biết, Mỹ sẽ làm việc chặt chẽ với các đồng minh châu Âu và quốc tế để hành động theo diễn biến tình Ukraine. Mỹ sẽ tiếp tục cân nhắc vã xác định quy mô của những trừng phạt mới để đáp trả hành động của Nga.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu ngày 18/12 cũng nhóm họp tại Brussels, Bỉ để tìm kiếm chiến lược lâu dài cho vấn đề “đối đầu nhưng không gây thiệt hại kinh tế” với Nga. Chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Mùa Đông của Liên minh châu Âu, tân Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định yếu tố sống còn trong việc đảm bảo ổn định cho các nước thành viên ở khu vực Đông Âu. Theo đó, Hội nghị lần này sẽ nhằm giải quyết mối quan hệ với Nga, vốn được cảnh báo sẽ leo thang thành một cuộc “Chiến tranh Lạnh” mới.
“Chúng ta hiểu rõ tình hình hiện nay đang rất khó khăn và căng thẳng. Nó đòi hỏi những phản ứng ngay lập tức. Chúng ta phải tìm giải pháp lâu dài và thỏa đáng cho tình hình Ukraine. Cả 2 yếu tố khó khăn, trách nhiệm và chiến lược trong mối quan hệ với Nga”, tân Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu cũng nhắc tới các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Crimea, được công bố ngay trước giờ khai mạc hội nghị. Kể từ ngày 20/12, các biện pháp trừng phạt bổ sung này sẽ có hiệu lực. Theo đó, việc đầu tư vào Crimea và Sevastopol bị cấm hoàn toàn.
Một số nhà lãnh đạo của các nước ở Đông Âu lại bày tỏ lo ngại những trừng phạt sẽ “chọc giận” Tổng thống Nga Putin, cũng như những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính tại Nga tới các nền kinh tế các nước châu Âu khác.
Một số nước thành viên Liên minh châu Âu đã nói đến khả năng các cường quốc châu Âu dỡ bỏ trừng phạt. Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng, không cần thiết phải đưa ra thêm các trừng phạt nếu Nga “cư xử” đúng như Liên minh châu Âu mong đợi.
“Sẽ không cần những trừng phạt mới, thay vào đó chúng ta có thể tìm giải pháp để xoa dịu những căng thẳng. Lợi ích của tất cả các bên, của Ukraine, của Nga và của châu Âu là nhanh chóng tìm được những giải pháp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng này”, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết.
Các nguồn tin ngoại giao cho biết, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu không nhất trí được việc rút lại các biện pháp trừng phạt, sẽ có hiệu lực tới mùa hè năm sau, hay bổ sung thêm những trừng phạt mới. Thực tế, trừng phạt Nga là con dao hai lưỡi khiến các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu phải lao đao, đó là chưa kể đến các biện pháp phản đòn của Nga.
Hiện nay, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang nhắm vào các cơ quan năng lượng và quốc phòng nhà nước Nga. Các trừng phạt mới có thể ngằm vào tập đoàn năng lượng Gazprom. Tập đoàn này cũng sẽ phải hứng chịu thêm trừng phạt bổ sung nếu phá vỡ thỏa thuận cung cấp năng lượng với các nước Đông Âu. Nhà xuất khẩu quân sự Rosoboronexport của Nga có thể sẽ có mặt trong danh sách trừng phạt mới của Mỹ./.