Người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi trùng học Gamalei Alexander Ginzburg cho biết, để có thể phòng vệ hoàn toàn trước biến thể Delta, cần phải tiêm chủng nhắc lại sau 6 tháng.
Theo ông Ginzburg, các tế bào bộ nhớ được hình thành sau khi được tiêm vaccine Sputnik V sẽ không thể bảo vệ hoàn toàn một người khỏi bị nhiễm bởi chủng Delta. Ông cũng cho rằng cần phải tiếp tục theo dõi chủng này, khuyến nghị mọi người duy trì mức kháng thể cao thông qua việc tiêm chủng lại thường xuyên hơn.
Ông Ginzburg nhấn mạnh rằng, biến thể Delta dễ lây nhiễm và nguy hiểm hơn do diễn biến bệnh nhanh hơn, từ triệu chứng giống cúm nhẹ đến khi tình trạng bệnh xấu đi, không phải 10-12 ngày mà là ba hoặc bốn ngày. Hơn nữa, chủng Delta thực tế đã thay đổi kháng nguyên, tương tác với các tế bào theo một cách khác.
Khác với chủng virus phát hiện lần đầu tiên tại Vũ Hán, Trung Quốc hay biến chủng phát hiện đầu tiên tại Anh, chủng Delta tạo thành tế bào đa nhân. Ông Ginzburg giải thích rằng, virus nhân lên không rời khỏi tế bào mà xâm nhập vào tế bào lân cận. Vì vậy, cần liên tục có một lượng kháng thể cao để có thể “vây bắt được virus ở lối vào”. Ông Ginzburg nhấn mạnh có thể đạt được điều này bằng cách tiêm nhắc lại với vaccine 1 mũi Sputnik Light sau 6 tháng.
Tại Nga, tình hình dịch Covid-19 đã trở nên xấu đi đáng kể kể. Trong bốn ngày qua, hơn 17.000 trường hợp mắc Covid-19 mới đã được ghi nhận mỗi ngày. Các nhà chức trách cho rằng việc gia tăng số lượng người mắc bệnh là do sự lây lan của biến thể Delta. Thị trưởng thành phố Moscow Sergei Sobyanin cho biết, xuất hiện những trường hợp đã được tiêm chủng vẫn mắc bệnh và người đã khỏi Covid-19 bị tái mắc do chủng Delta.
Hiện nay, Bộ Y tế Nga đang chuẩn bị các khuyến nghị về việc tiêm chủng nhắc lại vaccine ngừa Covid-19./.