Mặc dù không phải là thành viên của AUKUS song New Zealand muốn được AUKUS chia sẻ một số công nghệ, trong đó có công nghệ quốc phòng.

Trong tuyên bố mới đưa ra, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Peeni Henare cho biết, kể từ khi AUKUS được thành lập, ông đã có vài cuộc trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton về cách thức mà New Zealand có thể tham gia vào cơ chế này. Mặc dù không phải là thành viên và cũng không được mời tham gia AUKUS song Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Peeni Henare cho hay, nước này muốn thu được lợi ích từ việc hình thành AUKUS, mà cụ thể là việc tiếp cận các công nghệ quốc phòng và an ninh mạng. Riêng đối với vấn đề hạt nhân, Bộ trưởng Henare cho hay, New Zeaeland vẫn giữ nguyên quan điểm phi hạt nhân nên sẽ không tham gia hợp tác trong vấn đề này.

Trước khi Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand đưa ra tuyên bố này, Cao ủy New Zealand tại Australia bà Dame Annette King cũng đã bày tỏ mong muốn của nước này trong việc hợp tác với AUKUS trong một số vấn đề.

Ngoài New Zealand, hiện nay, Nhật Bản cũng bày tỏ nguyện vọng trở thành đối tác của AUKUS để cùng hợp tác với các thành viên trong các lĩnh vực trọng tâm như công nghệ lượng tử, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo.

Ra đời cách đây chưa đầy 3 tháng, cơ chế an ninh AUKUS tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực. Bên cạnh một số ý kiến phản đối, bày tỏ sự lo ngại và hoài nghi thì cũng đã xuất hiện quốc gia muốn trở thành đối tác của AUKUS. Hiện tại, Australia, Anh và Mỹ vẫn đang thảo luận về cách thức vận hành, các lĩnh vực hợp tác cụ thể trong khuôn khổ AUKUS.

Tuy vậy, tuyên bố của ông Kurt Campbell, nhà điều phối Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Nhà Trắng (Mỹ) vào đầu tháng 12/2021 trong đó để ngỏ khả năng AUKUS kết nạp thành viên mới và hợp tác với các nước khác trong nhiều vấn đề, ngoại trừ chia sẻ công nghệ hạt nhân, đang giúp cho thế giới hình dung ngày một rõ hơn về một cơ chế an ninh mới trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên gay gắt./.