Với mục tiêu “không chỉ giới hạn trong vòng 1 giờ” hưởng ứng Giờ Trái Đất diễn ra vào lúc 20h30’ – 21h30’ ngày 23/3, nhiều nước trên thế giới tổ chức các hoạt động để hưởng ứng sự kiện này.

Những địa danh nổi tiếng khắp thế giới từ Nhà hát Opera Sydney đến Tháp Petronas, Cổng Brandenburg và Tháp Tokyo... tắt điện vào lúc 20h30’ (theo giờ địa phương).

-tat-dien-gio-trai-dat.jpg
Hà Nội sẽ tắt điện hưởng ứng Giờ Trái đất 2013.

Bà Yolanda Kakabadse, Giám đốc Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) cho biết, năm nay Autraulia tiếp tục là nước đầu tiên tổ chức Giờ Trái đất với các chương trình rất ý nghĩa: “Năm nay, Autraulia tham gia Giờ Trái đất không chỉ bằng việc tắt đèn mà còn bằng việc khởi động các chương trình năng lượng tái sinh. Là nước đầu tiên tổ chức hoạt động Giờ Trái đất, Autraulia sẽ là nước đi đầu trong việc thay đổi cách cư xử trên toàn thế giới. Hiện hơn 1,5 triệu người tại Autraulia đang sử dụng năng lượng tái sinh. Con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh. Đó là cách tuyệt vời để hưởng ứng Giờ Trái đất”.

Phát biểu trong lễ phát động giờ trái đất năm nay, Người đồng sáng lập chiến dịch, Giám đốc Điều hành Giờ Trái Đất Andy Ridley cho biết, chiến dịch Giờ trái đất đã thành công trong việc thu hút nhiều người tham gia vào các chiến dịch bảo vệ môi trường trên toàn: “Từ sự kiện ở một thành phố năm 2007, đến nay chúng ta đã biến nó thành một sự kiến lớn có ý nghĩa, có quy mô toàn cầu với hơn 150 nước cùng tham gia vào chiến dịch này. Sự kiện này không chỉ khiến tất cả mọi người trên thế giới xích lại gần nhau, bất kể văn hóa, tôn giáo. Hoạt động ý nghĩa này còn thu hút sự quan tâm của mọi người đến vấn đề bảo vệ môi trường, biến đổi khí hâu, khiến mọi ngườu nhận thức rõ hơn về những tác động của biến đổi khí hậu đối với môi trường cũng như chính đời sống hàng ngày của chúng ta”.

Giờ Trái Đất là sáng kiến toàn cầu do Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) khởi xướng, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu. Chiến dịch được thực hiện lần đầu tiên tại thành phố Sydney của Autraulia năm 2007. Đến nay, Giờ Trái Đất đã lan rộng trên khắp các châu lục trên toàn thế giới. Là một chiến dịch mở, Giờ Trái Đất sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để kết nối một cộng đồng toàn cầu, giúp thay đổi thế giới chúng ta đang sống một cách tốt đẹp hơn./.