Tuyên bố được xem là sự ủng hộ của khối quân sự này đối với cáo buộc của Mỹ cho rằng Nga vi phạm thỏa thuận. Ngay sau tuyên bố chung của NATO, Mỹ cũng đã ra một tối hậu thư tuyên bố Nga có 60 ngày để tuân thủ Hiệp ước.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: DW. |
Tuyên bố chung đưa ra sau Hội nghị Ngoại trưởng NATO diễn ra hôm 4/12 tại Bỉ nêu rõ, Nga đã phát triển hệ thống tên lửa 9M729. Đây là sự vi phạm Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung và đặt ra nguy cơ đối với an ninh châu Âu – Đại tây Dương. NATO ủng hộ kết luận của Mỹ nói rằng, Nga đã vi phạm các nghĩa vụ được quy định trong hiệp ước và kêu gọi Nga tuân thủ thỏa thuận.
Phát biểu trước báo giới tại hội nghị, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: “Bây giờ mọi việc sẽ tùy thuộc vào việc liệu Nga có tiếp tục tuân thủ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung nữa hay không. Nga có cơ hội cuối cùng để thể hiện và chứng minh một cách có thể kiểm chứng rằng họ tuân theo hiệp ước. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị kịch bản không có hiệp ước này. Đó chính xác là những gì chúng tôi đang làm”.
Ngay sau tuyên bố chung của NATO, Mỹ cũng đã ra một tối hậu thư với Nga rằng Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung, một hiệp ước thời Chiến tranh Lạnh nhằm hạn chế vũ khí hạt nhân tầm trung, nếu Nga không tuân thủ thỏa thuận này trở lại trong vòng 60 ngày.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị ngoại trưởng NATO, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nêu rõ: “Mỹ đã tìm thấy bằng chứng Nga vi phạm nghĩa vụ quy định trong Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung và trong vòng 60 ngày chúng tôi sẽ chấm dứt nghĩa vụ của mình đối với hiệp ước như một biện pháp khắc phục trừ khi Nga trở lại tuân thủ một cách hoàn toàn và có thể kiểm chứng”.
Nga hiện chưa có phản ứng gì sau tuyên bố chung của NATO và tối hậu thư của Mỹ. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, động thái trên của NATO và Mỹ sẽ tiếp tục thổi bùng thêm những căng thẳng mới giữa Nga và phương Tây.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố Mỹ có ý định rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung và cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản trong văn kiện này. Tuy nhiên, phía Nga khẳng định tuân thủ nghiêm chỉnh hiệp ước, trong khi Mỹ luôn vi phạm thỏa thuận.
Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo Hiệp ước, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 – 5.500 km). Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu luôn coi hiệp ước là cơ sở giúp kiểm soát vũ khí, đồng thời quan ngại rằng việc hiệp ước sụp đổ có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới./.Mỹ xoa dịu lo ngại của các đồng minh NATO về quyết định rút khỏi INF