Hãng tin Sputnik dẫn lời các chuyên gia cho biết, kế hoạch của Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà nước này ký kết với Nga năm 1987, có nguy cơ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang mới trên toàn cầu và khiến thế giới ngày càng xa rời các mục tiêu giải trừ vũ khí.

gorbachev_kevr.jpg
Ông Mikhail Gorbachev và Ronald Reagan ký Hiệp ước INF. Ảnh: Reuters.

Bước đi nguy hiểm dẫn tới cuộc chạy đua vũ trang mới

Tiến sỹ M.V. Ramana tại Viện nghiên cứu Liu về các vấn đề quốc tế của Đại học British Columbia nhận định: “Tôi cho rằng quyết định của Tổng thống Donald Trump là một bước đi nguy hiểm khác dẫn tới cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Mỹ và Nga, và Washington đang bắt đầu tiến trình này. Bước đi của Mỹ là không cần thiết và sẽ làm gia tăng nguy cơ chiến tranh”. Ông cho biết, nếu Mỹ chuẩn bị phát triển những loại vũ khí mới thì đây sẽ là cái cớ thúc đẩy các quốc gia khác, trong đó có Nga và Trung Quốc phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa của riêng họ, để tạo ra thế cân bằng với hệ thống vũ khí mới của Mỹ. Điều này sẽ khiến chúng ta ngày càng rời xa các mục tiêu giải trừ vũ khí”.

Nhất trí với quan điểm này, người đứng đầu Viện nghiên cứu hòa bình và chính sách an ninh tại Trường Đại học Hamburg (IFSH) Gotz Neuneck cho rằng, hủy bỏ Hiệp ước INF sẽ chỉ làm lợi cho những người có tư tưởng rằng phát triển thêm nhiều vũ khí hạt nhân có thể giúp đảm bảo an ninh quốc gia. Hơn nữa, “việc ông Trump gạt sang một bên thỏa thuận giải trừ và kiểm soát vũ khí cũng là một tin tức xấu cho an ninh Châu Âu bởi vì chúng ta đang đánh mất hiệp ước quan trọng nhằm giảm thiểu mối đe dọa hạt nhân tại Châu Âu”.

Theo nhà phân tích này, động thái của ông Trump chẳng qua là sự biểu hiện của thái độ “miệt thị” đối với “một trật tự thế giới dựa trên Hiệp ước”, tương tự như việc ông rút ra nước Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hay thỏa thuận hạt nhân Iran. Dẫu vậy, quyết định này sẽ gây ảnh hưởng tới các thỏa thuận kiểm soát vũ khí khác. “Mặc dù Hiệp ước INF còn tồn tại một số điểm yếu và nhìn chung đã lỗi thời, tuy nhiên nó giúp tăng cường khả năng dự đoán và ngăn chặn việc triển khai những loại vũ khí nguy hiểm ở Châu Âu hay bất cứ nơi nào khác. Sau quyết định của ông Trump, một số ít thỏa thuận kiểm sóat vũ khí còn lại (đầu tiên và trước hết phải nói đến là Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới) có nguy cơ bị suy yếu”.

An ninh nước Mỹ sẽ bị đe dọa?

Tiến sỹ M.V. Ramana khẳng định, kế hoạch rút khỏi Hiệp ước INF của Mỹ có thể được xem như động thái nhằm dỡ bỏ các rào cản và mở đường cho việc phát triển hệ thống vũ khí hạt nhân mới, theo như tuyên bố của Tổng thống Donald Trump vào hôm qua (23/10).

“Nhiều khả năng Mỹ sẽ bắt đầu tiến trình phát triển hệ thống vũ khí mới. Tuy nhiên vẫn còn một Hiệp ước còn lại đó là New START, nhưng hiệp ước này sắp hết hiệu lực vào năm 2021 nếu Nga và Mỹ không nhất trí gia hạn. Tôi không nhìn thấy triển vọng về việc Hiệp ước này sẽ được gia hạn dưới bất cứ hoàn cảnh nào”.

Theo chuyên gia Gotz Neuneck, sau năm 2021 thì sẽ không còn một khuôn khổ nào ràng buộc đối với việc kiểm soát vũ khí hạt nhân. Ông cho biết, hiện tại Quốc hội Mỹ đã thông qua việc phát triển những tên lửa mới phóng từ mặt đất và từ chiến hạm, cũng như những loại tên lửa không tuân theo các quy định của INF.  “Hiệp ước INF đổ vỡ sẽ mở đường cho một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa hai siêu cường quốc hạt nhân. Dù trên thực tế cả Mỹ và Nga đều có đủ vũ khí hạt nhân và các loại khí tài khác có khả năng đe dọa nhiều mục tiêu trên khắp thế giới. Về lâu về dài, điều này sẽ dẫn đến việc tăng cường thử nghiệm các đầu đạn hạt nhân”, ông Neuneck nói.

Câu hỏi đặt ra là, liệu việc rút khỏi Hiệp ước này có thực sự mang lại lợi ích cho an ninh của nước Mỹ hay không? Ông Lisbeth Gronlund, người đồng sáng lập Chương trình an ninh toàn cầu cho biết: “Quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump là thiển cận và sẽ gây tổn hại an ninh của Mỹ cũng như các đồng minh của nước này. Hiệp ước INF do Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký vào năm 1987 đã dẫn đến việc phá hủy 846 quả tên lửa của Mỹ và 1.846 quả tên lửa của Nga, ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang và xoa dịu căng thẳng giữa hai cường quốc. Việc rút khỏi Hiệp ước sẽ đe dọa thế cân bằng hạt nhân của Nga và Mỹ. Trong nhiều năm qua, Mỹ đã cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước thông qua việc chế tạo và triển khai tên lửa đạn đạo 9M729. Rõ ràng Mỹ không nên lờ đi vấn đề này. Nhưng trên thực tế, những quy định nằm trong khuôn khổ Hiệp ước này lại có lợi rất nhiều cho Mỹ, vì thế chính quyền ông Trump nên thực hiện các nỗ lực ngoại giao một cách nghiêm tục để giải quyết vấn đề với Nga, thay vì từ bỏ Hiệp ước INF”.

Điều củng cố cho quyết định của ông Trump rút khỏi INF là sự phản đối của các thành viên chủ chốt trong chính quyền Mỹ đối với những thỏa thuận đã được đàm phán, mà theo cách này hay cách khác, đang hạn chế việc phát triển hệ thống vũ khí của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ cùng cần phải nhớ rằng, thỏa thuận như vậy cũng giúp bên đối tác hạn chế việc triển khai vũ khí của họ, đồng thời tạo ra các biện pháp minh bạch và rõ ràng hạn chế sự bất ổn và tăng cường an ninh cho Mỹ.

Từ những nhận định nêu trên, giới quan sát cho rằng, việc hủy bỏ Hiệp ước INF sẽ là lựa chọn tồi tệ nhất bởi nó có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến khốc liệt khi mà Nga và Mỹ có thể triển khai các loại tên lửa hành trình hạt nhân trên tàu chiến tại Địa Trung Hải, Biển Đen hay Biển Baltic mà không vấp phải bất cứ rào cản nào./.