Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ tuyên bố ngừng các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc, như một phần trong cuộc đàm phán Thượng đỉnh với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tuyên bố khiến không chỉ Hàn Quốc mà cả Lầu Năm Góc “bối rối”. Các đồng minh lớn của Mỹ tại châu Á và châu Âu không khỏi “giật mình” trước tuyên bố này, khi Tổng thống Trump lấy lý do Washington phải chi quá nhiều cho việc bảo vệ các đồng minh.

1_ljju.jpg
Sĩ quan Mỹ tập huấn cùng binh sĩ Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Chiến lược linh hoạt của Trump?

Hiện không rõ sẽ có chính xác bao nhiêu hoạt động huấn luyện của quân đội Mỹ bị hủy bỏ, nhưng chắc chắn các cuộc tập trận quân sự lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc dự kiến diễn ra trong tháng 8 sẽ nằm trong số này. Trong 2 năm qua, Mỹ sử dụng các cuộc tập trận quân sự này để gửi đi cảnh báo rõ ràng với Triều Tiên về chương trình hạt nhân của nước này. Đến nay, Tổng thống Trump lại rất hy vọng rằng khi Mỹ ngừng tập trận với Hàn Quốc, Triều Tiên sẽ đóng băng các chương trình thử tên lửa và đầu đạn hạt nhân của mình.

Bản thân thỏa thuận đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều không phải là một thỏa thuận tồi nếu nó giúp hạ nhiệt căng thẳng và giảm nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến tranh hủy diệt. Tuy nhiên, việc Tổng thống Trump cân nhắc rút binh sĩ Mỹ khỏi Bán đảo Triều Tiên lại khiến Seoul và cả những đồng minh lớn của Washington thực sự lo lắng. Các nước này lâu nay vẫn phụ thuộc vào sự hiện diện quân sự của Mỹ và các cuộc tập trận chung để “thị uy” với những đối thủ của mình.

Với diễn biến tình hình mới trên Bán đảo Triều Tiên, một số chuyên gia quân sự đã cảnh báo, việc giảm các cuộc tập trận trung chắc chắn sẽ khiến các lực lượng Mỹ-Hàn không được chuẩn bị tốt cho bất cứ nguy cơ xảy ra xung đột nào, nhất là về lâu dài. Mặt khác việc dừng tập trận sẽ khiến Mỹ-Hàn có thể gia tăng áp lực ngoại giao khi Triều Tiên nối lại các hoạt động thử vũ khí. Tập trận quân sự vẫn luôn được sử dụng như một giải pháp quốc tế để gia tăng hoặc giảm sức ép ngoại giao. Theo đó, hành động của Tổng thống Trump với Triều Tiên có thể là một phần trong chiến lược linh hoạt này.

Điều các đồng minh của Mỹ lo lắng hơn cả là khi Tổng thống Trump sẽ tính đến việc bắt đầu rút số lượng lớn binh sĩ tại các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là những vùng giáp danh với những “đối thủ hùng mạnh” như Nga hay Trung Quốc.

Dù vậy, chiến lược của Tổng thống Trump vẫn nhận được tán đồng khi nhiều ý kiến cho rằng các cuộc chiến Mỹ tham gia tại Trung Đông hay các khu vực khác là sai lầm và quá tốn kém.

NATO “đứng ngồi không yên”

Sự thực là lo ngại đang ngày càng gia tăng tại châu Âu, nhất là khi Mỹ và các đồng minh chuẩn bị tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh NATO trong tháng 7 này. Tổng thống Trump đã không ngần ngại nói rằng các nước châu Âu chi quá ít cho phòng vệ, khi không kể tới con số 65.000 binh sĩ Mỹ đang được triển khai tại châu Âu.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm ngoái, Tổng thống Trump cũng đã gay gắt khi đưa vấn đề kinh phí ra thảo luận. Và sau những gì vừa diễn ra tại Hội nghị G7, với mâu thuẫn ngày càng bộc lộ rõ khiến Mỹ và các đồng minh châu Âu không thể ký kết một tuyên bố chung tại Canada, các ý kiến cho rằng một bầu không khí căng thẳng sẽ tiếp tục bao trùm Hội nghị Thượng đỉnh NATO sắp tới.

Số binh sĩ đáng kể của Mỹ đang đồn trú tạm thời tại châu Âu với nhiệm vụ hỗ trợ và tham gia các cuộc tập trận quy mô lớn ở Baltic và những khu vực khác. Theo đó, gửi đi thông điệp rõ ràng tới Nga rằng Washington và các đồng minh trong NATO sẽ cùng nhau chiến đấu nếu bị tấn công. Tuy nhiên, việc Mỹ và Italy đề xuất tại Hội nghị G7 mời Nga trở lại cơ chế hợp tác này đã làm suy yếu hy vọng của châu Âu về một mặt trận thống nhất đối trọng với Tổng thống Nga Putin ngày càng quyết đoán. Bất cứ kế hoạch giảm quân nào của Mỹ tại châu Âu cũng khiến NATO vỡ mộng trong nỗ lực xây dựng một mặt trận thống nhất.

Đến nay, Mỹ vẫn chưa nhắc tới việc sẽ rút quân khỏi châu Âu, đặc biệt là tại các nước ở Đông Âu. Dù vậy, các thành viên NATO vẫn “đứng ngồi không yên” vì thỏa thuận vừa đạt được giữa Ba Lan và Mỹ, vốn sẽ khiến Tổng thống Trump thêm tin tưởng vào chiến lược và tầm nhìn thế giới của mình.

Là một tỷ phú Mỹ, một ông trùm bất động sản, Tổng thống Trump đã cho thấy “phong cách làm chính trị” của một nhà kinh tế. Nhiều nguồn tin cho biết, tháng trước Ba Lan đã đề xuất trả 2 tỷ USD cho Washington để duy trì một đơn vị thiết giáp của Mỹ tại Ba Lan, bổ sung thêm cho số lượng nhỏ binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại đây.

Thỏa thuận này giữa Ba Lan và Mỹ nếu suôn sẻ sẽ gia tăng hiện diện quân sự Mỹ tại Đông Âu. Tuy nhiên, thêm quân chỗ này Mỹ sẽ phải bớt quân ở chỗ kia. Theo đó, Mỹ có thể cân nhắc rút lực lượng đang triển khai tại Đức, Nhật Bản, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ hay các đồng minh khác. Các nước này rất ủng hộ việc triển khai quân đội Mỹ trên lãnh thổ của mình, song họ lại hiếm khi “trả tiền” cho việc tăng cường hiện diện quân sự của Washington. Do vậy, các nước đồng minh của Mỹ lo ngại thỏa thuận với Ba Lan sẽ trở thành một tiền lệ và chính quyền Tổng thống Trump sẽ sớm đòi hỏi “khoản tiền bảo vệ” nếu muốn Mỹ triển khai các lực lượng trên bộ./.