Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan Hilde Johnson ngày 26/12 kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị của quốc gia non trẻ nhất thế giới này “tạo một cơ hội cho hòa bình”.

Lời kêu gọi đưa ra trong bối cảnh xung đột bạo lực đang đẩy quốc gia non trẻ nhất thế giới này đến bờ vực nội chiến nhưng các bên vẫn chưa thể hiện thiện chí nhượng bộ để ngồi vào bàn đàm phán.

nam-sudan.jpg
Từ trái sang, Thủ tướng Ethiopia, Tổng thống Nam Sudan và Tổng thống Kenya trước cuộc thảo luận về tình hình bạo lực bùng phát ở Nam Sudan ngày 26/12 tại Juba (Ảnh: Reuters)

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Hilde Johnson bày tỏ sự bàng hoàng trước những diễn biến nhanh chóng đẩy Nam Sudan trở lại thời kỳ bất ổn. Chỉ trong vòng 12 ngày qua đã có hơn 1.000 người thiệt mạng và  hơn 50.000 dân thường Nam Sudan đã phải tìm kiếm tị nạn ở các căn cứ của Liên Hợp Quốc tại đây.

Bà Johnson cũng thừa nhận, quy mô cuộc khủng hoảng ở Nam Sudan đã đặt ra một thách thức lớn đối với phái bộ gìn giữ hòa bình vốn đã gánh nhiều sứ mệnh.

“Chúng tôi biết căng thẳng sắc tộc là nguy cơ lớn nhất có thể làm đất nước này bất ổn. Nhưng tốc độ, tính nghiêm trọng và quy mô của sự bất ổn này nằm ngoài dự đoán của chúng ta. Những ngày qua là một quãng thời gian thử thách đối với quốc gia non trẻ như Nam Sudan. Những gì xảy ra gợi lại cho rất nhiều người cơn ác mộng của quá khứ. Quốc gia phải đấu tranh kiên trì nhiều thập kỷ để có được độc lập giờ đây lại đứng trước nguy cơ xung đột”, bà Johnson nói.

Tuy nhiên, bà Johnson tái khẳng định quyết tâm của Liên Hợp Quốc trong việc tiếp tục duy trì và tăng cường phái bộ gìn giữ hòa bình đến quốc gia non trẻ này, đặc biệt là các khu vực bất ổn nhất như Juba, Bor, Bentiu, Malakal.

Bà Johnson cũng bày tỏ hy vọng quân tăng viện cho nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại đây sẽ đến trong vòng 48 tiếng nữa.

Căng thẳng ở Nam Sudan bùng phát thành bạo lực hôm 15/12 trong một diễn biến mà Tổng thống Salva Kiir cho là “cuộc đảo chính” của cựu Phó Tổng thống Riek Machar bị ông cách chức hồi tháng 7. Xung đột đã xảy ra trong nội bộ Lực lượng vệ binh cộng hòa, giữa một bên là người của bộ tộc Dinka trung thành với Tổng thống Salva Kiir và bên kia là những binh sỹ thuộc bộ tộc Nuer trung thành với ông Riek Machar.

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Hilde Johnson cho rằng, sự đa dạng về sắc tộc phải là nguồn sức mạnh và sự đoàn kết của Nam Sudan thay vì là nguyên nhân gây xung đột và bất ổn. Tuy nhiên, cả Tổng thống Salva Kiir và ông Machar đều cho rằng bất ổn hiện nay không mang tính sắc tộc mà là xung đột chính trị.

Trong khi đó, các nước phương Tây và châu Phi cũng đang nỗ lực ngăn chặn thêm một cuộc khủng hoảng có thể nổ ra ở khu vực Đông Phi vốn bất ổn này bằng cách thúc đẩy đối thoại giữa Tổng thống Salva Kiir và lãnh đạo phe nổi dậy Riek Machar.

Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta và Thủ tướng Ethiopia Hailemariam Desalegn ngày 26/12 cũng thảo luận với Tổng thống Salva Kiir về cuộc khủng hoảng mới bùng phát ở Nam Sudan.

Ngoại trưởng Ethiopia Tedros Adhanom cho biết: “Những vấn đề các nhà lãnh đạo thảo luận bao gồm việc ngừng các hành động thù địch và ngay lập tức đối thoại để giải quyết vấn đề này bằng con đường chính trị. Ngoài ra còn có vấn đề về những người bị bắt vì cáo buộc đảo chính và cuộc khủng hoảng nhân đạo vì những bất ổn hiện nay. Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh rằng những biện pháp trái với Hiến pháp nhằm thay đổi một chính phủ được bầu ra một cách dân chủ phải bị lên án và bất cứ giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng này phải thông qua đối thoại chính trị”.

Hiện chưa rõ các nhà lãnh đạo châu Phi có tiếp xúc với lãnh đạo phe nổi dậy Riek Machar nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột hiện nay hay không. Trong khi đó, Trung Quốc ngày 26/12 cũng tuyên bố sẽ cử Đặc phái viên đến châu Phi để hỗ trợ thúc đẩy đối thoại hòa bình cho Nam Xuđăng. Các nhà lãnh đạo Nam Sudan khẳng định sẵn sàng tham gia đối thoại trong khi lãnh đạo phe nổi dậy Riek Machar đặt ra yêu sách rằng những người bị cáo buộc đảo chính phải được trả tự do, một điều kiện mà Tổng thống Salva Kiir chưa sẵn sàng từ bỏ./.