Na Uy đang cân nhắc liệu có nên tiếp bước các quốc gia phương Tây khác gạt bỏ vai trò của tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc) trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông mạng 5G mới ở Na Uy hay không. Bộ trưởng Tư pháp Na Uy Tor Mikkel Wara đã nói như vậy trước báo giới hôm nay (9/1).

Theo ông Tor Mikkel Wara, Na Uy có chung mối quan ngại như Mỹ và Anh. Công nghệ của Huawei có thể được sử dụng để làm công cụ gián điệp. Đây là vấn đề được Na Uy cân nhắc hàng đầu trước khi tính đến các bước đi tiếp theo trong việc xây dựng mạng lưới viễn thông 5G ở nước này.

huawei_1524325_huee_wdos.png
 Ảnh minh họa: SCMP.
Telenor - nhà vận hành công nghệ viễn thông do nhà nước kiểm soát của Na Uy đã ký hợp đồng đầu tiên với Huawei vào năm 2009. Telenor vẫn đang sử dụng thiết bị 4G do Huawei cung cấp và hiện đang thử nghiệm công nghệ từ tập đoàn Huawei trước khi triển khai mạng 5G ở nước này.

Tập đoàn Huawei hiện vẫn chưa có bình luận gì sau tuyên bố trên của Bộ trưởng Tư pháp Na Uy.

Trước Na Uy, nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Anh, Đức và Pháp đã bắt đầu chủ trương không để các tập đoàn Trung Quốc tham gia vào những lĩnh vực công nghệ thông tin chiến lược, đặc biệt là mạng 5G.

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ ra một sắc lệnh trong tháng 1 này, cấm các doanh nghiệp nước này sử dụng thiết bị viễn thông do các tập đoàn nước ngoài sản xuất, vì đe dọa an ninh quốc gia. Sắc lệnh sắp được thông qua này đã được chuẩn bị từ 8/2018.

Vào tháng 8/2018, Mỹ đã ban hành một đạo luật quốc phòng, trong đó cấm các cơ quan chính quyền sử dụng linh kiện của Huawei và ZTE, do nghi ngờ các thiết bị này có thể bị sử dụng làm phương tiện phục vụ cho các hoạt động gián điệp. Trung Quốc nhiều lần bác bỏ cáo buộc này./.