Từ đầu tháng 12 đến nay, một số doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp ở Thượng Hải, Quảng Đông, Thiểm Tây, Chiết Giang (Trung Quốc) đã ra thông báo nội bộ, yêu cầu nhân viên và các thành viên của Hội ủng hộ Huawei, tẩy chay Apple. Tuy nhiên, quyết định này đã nhận phản ứng trái chiều từ cộng đồng mạng nước này.

tay_chay_apple_edqw.jpg
Hình ảnh sản phẩm của Huawei và biểu tượng của Apple. Ảnh: Epoch Times.

Gần như vào cùng một thời điểm, hàng loạt các công ty Trung Quốc và cả Hiệp hội doanh nghiệp đã cùng đưa ra các thông báo nội bộ ủng hộ Huawei với mức hỗ trợ cụ thể đối với những cá nhân mua và sử dụng sản phẩm của Tập đoàn này.

Mức hỗ trợ kinh phí từ 10% đến 100%. Có công ty hỗ trợ 500 Nhân dân tệ (khoảng 1,7 triệu đồng Việt Nam) cho mỗi chiếc điện thoại đối với những nhân viên chuyển sang dùng sản phẩm của Huawei trong khi đang sử dụng điện thoại của Apple.

Có doanh nghiệp còn dọa đưa nhân viên ra khỏi danh sách xét thưởng và bình bầu cuối năm nếu lựa chọn sản phẩm của Apple. Những nhân viên cố tình vi phạm đồng nghĩa từ bỏ cơ hội thăng tiến. Thậm chí, Hiệp hội doanh nghiệp Nam Sung Thượng Hải còn nêu rõ, ủy viên thường vụ và ủy viên Ban chấp hành Hội sẽ bị loại khỏi chức vụ trên, nếu sau khi có Thông báo vẫn sử dụng sản phẩm điện tử của Apple. Không chỉ đối với sản phẩm của Apple, có công ty còn cấm sử dụng các thiết bị văn phòng của Mỹ, hoặc giảm phần trăm hỗ trợ khi sử dụng ô tô xuất xứ từ Mỹ v.v....

Cùng với động thái trên, mới đây, một tòa án ở Trung Quốc đã ra lệnh cấm tiêu thụ đối với hầu hết các mẫu iPhone đang bán trên thị trường nước này, nhưng hiện các công ty kinh doanh sản phẩm của Apple vẫn chưa thực thi lệnh cấm này và đã gửi đơn kháng cáo.

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, cách làm của doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang vấp phải sự không đồng tình của cộng đồng mạng nước này, mặc dù việc lãnh đạo Huawei bị bắt giữtại Canada và có khả năng bị dẫn độ sang Mỹ đang gây phẫn nộ đối với chính phủ và người dân Trung Quốc.

Có người cho rằng, hành động này là xâm phạm quyền tự do cá nhân của nhân viên, là không sáng suốt, bởi quyết định của tòa án được thực hiện theo yêu cầu của Công ty Qualcomm, một doanh nghiệp công nghệ của Mỹ, công ty này mới là đối thủ chính của Huawei.

Hơn nữa, lĩnh vực hoạt động chính của Huawei không phải là smartphone, mà hơn thế là tạo lập khung hoạt động cho các sản phẩm điện thoại và công nghệ mạng các nước khi thâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Việc tẩy chay này chỉ làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường Sino ở thủ đô Bắc Kinh, tháng 11, số điện thoại cầm tay bán ra của Huawei đứng thứ 2 trên thị trường Trung Quốc với 6 triệu chiếc, trong khi Apple đứng thứ 5 với 4,8 triệu chiếc. 11 tháng qua, Huawei đứng thứ 3 với lượng điện thoại bán ra là gần 59 triệu chiếc, tăng mạnh 28% so với cùng kỳ, còn Apple giữ vị trí thứ 5 với hơn 49 triệu chiếc, giảm nhẹ 1%./.