Cuộc thảo luận được tổ chức theo sáng kiến của Nga, nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng 2, với chủ đề “Ngăn chặn các hậu quả nhân đạo và không mong muốn của các lệnh trừng phạt”.

Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, các lệnh trừng phạt quốc tế ngày càng được sử dụng nhiều. Tuy nhiên, theo Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky, nhiều cơ chế trừng phạt đã gây ảnh hưởng tới các kế hoạch xây dựng nhà nước và phát triển kinh tế. Vì thế, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần chú ý nhiều hơn đến quan điểm của chính quyền các quốc gia chịu lệnh trừng phạt, cũng như thực tế hơn trong việc xây dựng các tiêu chuẩn để đảm bảo các lệnh trừng phạt không trở nên vô nghĩa.

Phản bác quan điểm này, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho rằng, các biện pháp trừng phạt là “một công cụ mạnh mẽ” để khiến những kẻ khủng bố khó huy động tài chính hơn, cũng như ngăn cản chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên.

Các lệnh trừng phạt chính là một công cụ quan trọng để Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thực thi các quyết định. Từ năm 1966, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thiết lập hàng chục cơ chế trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, Iran, Yemen, Bờ Biển Ngà, Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay Al-Qaeda./.