Phát biểu sau cuộc họp Hội đồng Năng lượng EU - Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, hai bên sẽ làm việc cùng nhau để bảo vệ nguồn cung cấp năng lượng của châu Âu:

"Chúng tôi đang phối hợp với nhau để bảo vệ nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu trước những cú sốc về nguồn cung, bao gồm cả các cú sốc có thể do Nga gây hấn hơn nữa đối với Ukraine. An ninh năng lượng gắn liền với an ninh quốc gia, an ninh khu vực, an ninh toàn cầu. Châu Âu cần nguồn năng lượng đáng tin cậy và với giá cả phải chăng, đặc biệt là trong những tháng mùa Đông”.

Về phần mình, Cao ủy Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại Josep Borrell cho biết, ưu tiên trước mắt là đa dạng hóa các nguồn năng lượng và dòng khí để tránh gián đoạn nguồn cung và đảm bảo thị trường năng lượng thế giới sẽ có tính thanh khoản, cạnh tranh và khả năng cung cấp tốt.

"Cuộc họp này không thể kịp thời hơn. Cuộc họp lần thứ 9 của Hội đồng Năng lượng sau 4 năm không họp là một cơ hội tốt để đối phó với hoàn cảnh hiện tại về các mối đe dọa khi Nga đang tập trung quân đội tại khu vực biên giới phía Đông của châu Âu”.

Cuộc họp Hội đồng Năng lượng EU - Mỹ diễn ra vào thời điểm quan trọng nhằm giải quyết vấn đề cung cấp năng lượng trong bối cảnh giá cả biến động mạnh. Theo giới chuyên gia, căng thẳng giữa Nga và Ukraine gia tăng thời gian gần đây đã phủ bóng đen lên thị trường năng lượng ở châu Âu - vốn đã chứng kiến sự tăng giá khí đốt lên mức kỷ lục vào cuối năm 2021. Nga hiện cung cấp khoảng 35% lượng khí đốt cho châu Âu và là nhà cung khí đốt lớn nhất cho châu lục này.

Trước tình hình đó, EU đang cố gắng tìm kiếm các giải pháp thay thế, đặc biệt là bằng cách tăng cường cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen,  EU đang xem xét tất cả các lựa chọn và kịch bản, bao gồm việc hợp tác với các đối tác trong trường hợp Nga giảm hoặc tạm dừng cung cấp khí đốt. 

"Chúng tôi đang xây dựng mối quan hệ đối tác về an ninh năng lượng với Mỹ, chủ yếu là về nguồn cung cấp khí hóa lỏng. Chúng tôi đang nói chuyện với các nhà cung cấp khí đốt khác, chẳng hạn như Na Uy, về việc tăng nguồn cung khí đốt của họ cho châu Âu".

Để đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu khí đốt tại các nước đồng minh châu Âu, Mỹ cũng đang nỗ lực tiếp xúc với các nước nhập khẩu khí thiên nhiên châu Á. Ngoài ra, Mỹ cũng đang tiếp xúc với các nước sản xuất khí đốt như Qatar, Nigeria, Ai Cập, Libya để thảo luận về việc tăng sản lượng khi xảy ra tình huống nguy cấp. 

Hiện nay, cuộc khủng hoảng khí đốt đang được xoa dịu ở châu Âu nhờ thời tiết tương đối ôn hòa. Tuy nhiên, thống kê mới nhất về năng lượng châu Âuđang gây lo ngại. Theo Cơ quan Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, tính đến đầu tháng này, khối lượng khí đốt khả dụng trong các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất của châu Âu thấp hơn 27% so với mức cùng kỳ năm trước (13,4 tỷ m3). Dự trữ khí đốt tự nhiên tại châu Âu giảm mạnh được cho là do nhu cầu gia tăng, bắt nguồn từ việc gia tăng phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19./.