Trước đó, trong ngày làm việc đầu tiên của cuộc đàm phán song phương này diễn ra ngày 21/1, hai trưởng phái đoàn Cuba và Mỹ đã bày tỏ hài lòng về thảo luận vấn đề nhập cư, đồng thời thừa nhận vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng giữa hai nước.

Trong buổi họp báo cuối ngày làm việc, đồng thời là phiên họp thường kỳ thứ 28 giữa hai nước về nhập cư, hai trưởng phái đoàn Cuba và Mỹ khẳng định tiếp tục duy trì không gian thảo luận này, cũng như các cuộc gặp gỡ kỹ thuật song phương về vấn đề chống giả mạo giấy tờ nhập cư.

us_cuba_900_1421857672669_12707614_ver1_0_640_480_vddu.jpg Cuộc đàm phán lịch sử giữa  Mỹ và Cuba ở Thủ đô La Habana (ảnh: Getty)

Vụ trưởng phụ trách các vấn đề về Mỹ của Bộ Ngoại giao Cuba Josefina Vidal cho rằng, hai bên đã nói chuyện cởi mở với tinh thần xây dựng. Tuy nhiên, bà Vidal thừa nhận còn nhiều bất đồng giữa hai bên chưa được giải quyết.

Phía Cuba khẳng định “Luật Điều chỉnh Cuba”, các chính sách “chân ướt, chân ráo” của Mỹ và ưu đãi nhập cư cho bác sĩ Cuba vào Mỹ từ nước thứ ba đã khuyến khích dòng di cư bất hợp pháp giữa hai nước, đi ngược lại Thỏa thuận di trú song phương ký năm 1994.

Sau khi công nhận Mỹ đã tuân thủ thỏa thuận không cấp quá 20.000 thị thực cư trú dài hạn cho công dân Cuba mỗi năm, bà Vidal khẳng định La Habana muốn có một “mối quan hệ bình thường” với Washington trong lĩnh vực nhập cư nhưng việc Mỹ duy trì các chính sách “ưu đãi, ngoại lệ và duy nhất về nhập cư đối với công dân Cuba” đã cản trở tiến trình này.

Vụ trưởng phụ trách các vấn đề về Mỹ của Bộ Ngoại giao Cuba Josefina Vidal nói: “Phía Cuba nhấn mạnh rằng, mặc dù các giải pháp đã được đưa ra, có hiệu quả với cả hai nước, nhưng việc duy trì chính sách “chân ướt, chân ráo” và Luật điều chỉnh Cuba của Mỹ đã đi ngược lại ngôn từ và tinh thần của các thỏa thuận về di trú song phương và điều này đã kích thích làn sóng di cư bất hợp pháp từ Cuba sang Mỹ”.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối chính sách ưu đãi thị thực của Mỹ đối với các bác sỹ, các nhà chuyên môn giỏi của Cuba đang làm việc tại nước thứ ba. Thực tế là chính sách đánh cắp nguồn nhân lực, lấy đi nguồn nhân tài của chúng tôi và chúng tôi thấy rõ rằng, điều này không phù hợp với mối quan hệ song phương hiện nay giữa Mỹ và Cuba”, bà Vidal nhấn mạnh.

Về phần mình, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Alex Lee khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì “Luật Điều chỉnh Cuba” và coi đây là kim chỉ nam cho chính sách nhập cư của mình đối với công dân Cuba, và chúng tôi cũng sẽ loại bỏ khả năng bãi bỏ chính sách “chân ướt, chân ráo” trong thời gian tới”.

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Alex Lee cho biết thêm: “Tuy nhiên, để thảo luận việc thực hiện các hiệp định song phương về di trú, chúng tôi đã trao đổi những ý tưởng và bàn về một số khía cạnh di trú an toàn. Chúng tôi thảo luận với giới chức Cuba, nhằm nỗ lực thuyết phục họ nhận lại các công dân của mình. Việc mà chúng tôi cho là nghĩa vụ của tất cả các nước trên thế giới về việc trao trả và đón nhận lại công dân của mình về quê nhà”.

Tại cuộc đàm phán song phương giữa Mỹ và Cuba, cả hai bên đều mong đợi sẽ đạt được những nguyên tắc chung về những mục tiêu lâu dài trong việc thiết lập quan hệ hợp tác song phương.

Trong khi phía Cuba tìm kiếm việc bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế của Washington kéo dài suốt 53 năm qua và yêu cầu chính quyền Mỹ đưa La Habana ra khỏi danh sách các nước bị Mỹ coi là "bảo trợ khủng bố", thì phía Mỹ ưu tiên việc tăng cường số lượng nhân viên của phái đoàn ngoại giao, xóa bỏ hạn chế đi lại đối với các nhà ngoại giao của Mỹ tại Cuba hay quy định hạn chế công dân Cuba tiếp cận phái bộ ngoại giao Mỹ, cũng như ấn định ngày hai nước mở lại đại sứ quán.

Cuộc đàm phán song phương giữa Mỹ và Cuba là cuộc gặp đầu tiên giữa hai bên kể từ khi Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước kể từ ngày 17/12 năm ngoái./.