Theo kế hoạch, hôm nay (21/1) Mỹ và Cuba tiến hành cuộc đàm phán song phương đầu tiên giữa hai bên tại thủ đô Havana, Cuba. Đây  là cuộc gặp chính thức và quan trọng nhất giữa Mỹ và Cuba kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro tuyên bố bình thường hóa quan hệ giữa hai bên hôm 17/12/2014.

Cả Mỹ và Cuba đều đã sẵn sàng cho cuộc đàm phán lịch sử này.

Nhiều người dân Cuba, đặc biệt là các doanh nghiệp đã bày tỏ lạc quan về cuộc đàm phán. Nhiều doanh nghiệp Cuba cho biết: sau cuộc đàm phán này sẽ có nhiều doanh nghiệp Mỹ tới Cuba làm ăn và hoạt động đầu tư nước ngoài vào Cuba cũng sẽ tăng lên.

Một doanh nhân nói: “Tôi hy vọng, sau cuộc đàm phán này sẽ có nhiều doanh nghiệp Mỹ tới Cuba làm ăn, Du lịch theo đó cũng phát triển. Hàng hóa cũng nhiều hơn... Việc cải thiện quan hệ với Mỹ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Cuba. Nó sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động đầu tư nước ngoài từ Mỹ và các quốc gia khác vào Cuba.”

Về phía Mỹ, trước thềm cuộc đàm phán một ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua (20/1) tuyên bố chính quyền của Tổng thống Obama sẵn sàng đẩy nhanh các cuộc trao đổi liên lạc với Cuba và mở rộng những lĩnh vực hợp tác mang lại lợi ích lớn nhất cho cả hai nước.

Ngay trong bản Thông điệp Liên bang đọc trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ hôm nay, ông Obama cũng đã một lần nữa kêu gọi Quốc hội Mỹ nhanh chóng dỡ bỏ lệnh cấm vận mà ông cho là “đã lỗi thời” nhằm vào Cuba.

Ông Obama nói: “Chúng ta đang trong quá trình chấm dứt một chính sách thù địch đã lỗi thời và không còn phát huy tác dụng trong vòng hơn 50 năm qua. Đã đến lúc chúng ta cần phải thử một cái gì đó mới hơn. Sự chuyển dịch trong chính sách của chúng ta đối với Cuba sẽ giúp chúng ta chấm dứt sự mất lòng tin, giúp đẩy mạnh các giá trị dân chủ và mở rộng mối quan hệ với người dân Cuba, Năm nay, Quốc hội Mỹ nên khởi động công việc bằng việc dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba. Những bước đi nhỏ sẽ mang lại những hy vọng mới cho tương lai của Cuba.”

Trước đó, Chính quyền Tổng thống Mỹ Obama đã quyết định bắt đầu nới lỏng lệnh cấm vận thương mại và hạn chế đi lại với Cuba từ ngày 16/1. Đây là động thái mới nhằm cụ thể hóa quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước sau hơn nửa thế kỷ Mỹ áp đặt lệnh bao vây cấm vận Cuba. Quy định mới cũng tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các công ty dịch vụ viễn thông và các tổ chức tài chính của Mỹ trong việc kinh doanh tại Cuba.

Theo kế hoạch, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề khu vực Tây bán cầu, ông Roberta Jacobson dẫn đầu phái đoàn ngoại giao Mỹ tiến hành các cuộc đàm phán với phái đoàn Cuba từ ngày 21 đến ngày 24/01 nhằm thảo luận về việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ với Cuba. Ngoài vấn đề nhập cư đã được hai bên lên kế hoạch trước, hai bên cũng sẽ thảo luận các vấn đề mang tính kỹ thuật liên quan đến việc mở lại đại sứ quán tại cả Mỹ và Cuba cũng như các thủ tục liên quan đến cấp thị thực. Tại cuộc đàm phán, Cuba sẽ đề nghị Mỹ sớm đưa nước này ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố trước khi tiến hành các thủ tục nối lại quan hệ ngoại giao. Theo Cuba, việc Mỹ đặt nước này vào danh sách trên cùng với các quốc gia như Syriai, Iran và Sudan là “bất công”./.