Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của các nghị sĩ Mỹ tới Cuba, đánh dấu bước thúc đẩy quan hệ Mỹ-Cuba sau tuyên bố bình thường hóa quan hệ của Tổng thống Obama ngày 17/12 vừa qua. 

Phái đoàn gồm 4 Thượng nghị sĩ và 2 Hạ nghị sĩ đã làm việc với Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez. Phát biểu trong một cuộc họp báo tại thủ đô La Havana của Cuba khi kết thúc chuyến thăm, Thượng Nghị sĩ Leahy khẳng định các cuộc thảo luận đều rất cởi mở. 

leaht_bgya.jpgThượng Nghị sĩ Leahy phát biểu với báo giới tại La Havana (Ảnh Reuters)

“Tôi cho rằng, Ngoại trưởng Cuba Rodriguez đã rất cởi mở trong quá trình thảo luận từng vấn đề, từ lĩnh vực thương mại tới truyền thông, nông nghiệp… Chúng tôi cũng thảo luận các vấn đề du lịch và y tế. Tôi cho rằng, Tổng thống Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã hành động đúng. Mọi sự quan tâm lúc này là những diễn biến tiếp theo. Đây là lúc để chúng ta nghĩ tới những tiến triển vào thời điểm giữa tháng 1 năm tới và 1 năm sau đó”, Thượng Nghị sĩ Patrick Leahy tuyên bố. 

Ngoài ra, phái đoàn nghị sĩ Mỹ cũng làm việc với các nhóm đối lập tại Cuba, trong đó có ông Elizardo Sanchez, người đứng đầu Ủy ban về Nhân quyền và Hòa giải Cuba. 

Ông Sanchez đã đưa ra danh sách 24 tù nhân Cuba, trong đó có những người đã bị tù 20 năm, với yêu cầu các nghị sĩ Mỹ triển khai nỗ lực của mình để thúc đẩy đối thoại giữa chính phủ 2 nước nhằm thả tự do cho những tù nhân này vì lý do nhân đạo. 

Chuyến thăm của phái đoàn nghị sĩ Mỹ diễn ra vài ngày trước khi Mỹ và Cuba bắt đầu các vòng đàm phán mới để thiết lập lại quan hệ sau nửa thế kỷ bị phong tỏa vì lệnh cấm vận của Mỹ. 

Sau chuyến thăm của các nghị sĩ Mỹ, một phái đoàn khác của Mỹ do Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Mỹ Latin Roberta Jacobson dẫn đầu  cũng sẽ đến Cuba trong 2 ngày 21-22/1.

Đây cũng sẽ là lần đầu tiên trong 38 năm qua một trợ lý Ngoại trưởng Mỹ tới thăm Cuba, để thảo luận với giới chức Cuba về các bước đi cụ thể trong việc bình thường hóa quan hệ song phương, trong đó có việc mở Đại sứ quán tại thủ đô hai nước. 

Hai chuyến thăm nói trên được coi là một bước tiến lớn trong nỗ lực xây dựng mối quan hệ thực chất Mỹ-Cuba. Đặc biệt, trong thông điệp liên bang tối ngày 20/1 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Obama dự kiến sẽ nhấn mạnh tới mối quan hệ Mỹ-Cuba, cũng như những sự thay đổi chính sách tích cực của Mỹ hướng tới Cuba. 

Dư luận đang Mỹ rất ủng hộ Tổng thống Obama cải thiện quan hệ với Cuba, với hành động mới nhất là bắt đầu nới lỏng việc đi lại và giao dịch thương mại với Cuba từ ngày 16/1. 

Người dân của cả Mỹ và Cuba đều hoanh nghênh quyết định này, coi đây là bước đi tiếp theo để cụ thể việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước láng giềng sau hơn nửa thế kỷ bao vây cấm vận. Quyết định này giúp Cuba được tiếp cận với các dịch vụ viễn thông, xây dựng và tài chính của Mỹ, đồng thời cho phép người dân Mỹ tới Cuba mà không cần xin phép nếu là vì lý do giáo dục, tôn giáo hay các lý do được chấp thuận khác. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba sẽ còn gặp trở ngại lớn tại Quốc hội, nơi quyền quyết định cuối cùng về việc bãi bỏ lệnh cấm vận thuộc về các nghị sĩ Đảng Cộng hòa. 

Một số nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa còn toan tính những biện pháp ngăn chặn sự thay đổi này thông qua việc không cấp ngân sách mở Đại sứ quán Mỹ tại La Habana. 

Song bất chấp rào cản từ phía Đảng Cộng hòa, Chính phủ của Tổng thống Obama vẫn đang thúc đẩy lộ trình bình thường hóa quan hệ với Cuba. Theo đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker cũng có kế hoạch sẽ dẫn đầu một phái đoàn Ngoại giao thương mại tới Cuba vào cuối năm nay để thăm dò tiềm năng của thị trường hàng hóa và dịch vụ Cuba.

Cả Tổng thống Obama và Ngoại trưởng John Kerry đều hy vọng có thể trở thành Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tới thăm Cuba./.