Bão Sandy, với sức gió 80 km/giờ, trở thành siêu bão lớn nhất đổ bộ vào bờ biển miền Đông nước Mỹ trong nhiều năm qua. Dự kiến, chi phí để dọn dẹp sau bão Sandy có thể vào khoảng từ 30-40 tỷ USD. Cùng với Mỹ, Cuba cũng đang nỗ lực khắc phục hậu quả do bão Sandy gây ra, nhất là vấn đề lương thực.

Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn tiếp tục tạm ngưng chiến dịch vận động tranh cử để tập trung giám sát công việc khắc phục hậu quả trận bão. Tổng thống Obama hôm qua cùng với Thống đốc bang New Jersey và Giám đốc cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang tới thị sát các khu vực bị siêu bão Sandy tàn phá mạnh nhất ở bang ven biển này.

bao-sandy.jpg
Siêu bão Sandy khiến nước dâng thành những con sóng lớn tấn công các ngôi nhà tại Southampton, New York (Ảnh: Reuters)

Sau khi cơn bão đi qua, sàn giao dịch chứng khoán New York đã mở cửa trở lại sau hai ngày đóng cửa. Đây là lần đầu tiên sau 120 năm, sàn chứng khoán này phải đóng cửa hai ngày, kể từ năm 1888. Ngày 31/10, vẫn có ít nhất 6 triệu gia đình và doanh nghiệp ở 15 bang của Mỹ sống trong cảnh mất điện. Nhà chức trách New York cho biết, có thể phải mất từ 2 đến 3 ngày điện mới được khôi phục tại thành phố này. Mất điện cũng làm cho hơn một nửa số trạm xăng tại New York và bang New York phải đóng cửa, gây khó khăn cho những nỗ lực khắc phục hậu quả của bão Sandy.

Bất chấp những thiệt hại nặng nề do bão Sandy gây ra, nhiều người dân, doanh nghiệp, thị trường tài chính tại những vùng bị ảnh hưởng đang nỗ lực nối lại hoạt động thường nhật. Hai trong số 3 sân bay chính của khu vực đã mở cửa hoạt động trở lại hôm qua, dù những dịch vụ được cung cấp vẫn còn hạn chế.  Theo thống kê, bão Sandy đã khiến gần 19.000 chuyến bay bị hủy kể từ ngày 28/10.

Còn tại Cuba, Chủ tịch Raul Castro hôm qua đã thị sát tỉnh Santiago de Cuba, địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất do bão Sandy gây ra. Chính phủ Cuba điều động các binh sĩ, triển khai tàu cứu hộ tới các khu du lịch để dọn dẹp đường phố và cung cấp nước sạch. Hiện nay, nhiều người dân địa phương vẫn phải sống trong cảnh mất điện một tuần kể từ khi bão Sandy đổ bộ vào nước này. Chủ tịch Cuba kêu gọi người dân đoàn kết chung tay khắc phục thảm họa: “Chúng ta biết vấn đề ở đây là gì. Chúng tôi không bị mất niềm tin. Chúng tôi sẽ tham gia giải quyết tất cả những vấn đề hiện nay. Về vấn đề mất điện, tôi sẽ ở đây cho đến khi nào ánh sáng trở lại với người dân ở La Maya, Santiago de Cuba”.

Trong báo cáo đưa ra hôm qua, các chuyên gia Liên Hợp Quốc cảnh báo, ngành nông nghiệp Cuba sẽ đối mặt với tình trạng thiếu lương thực bởi các vùng trồng trọt trên toàn quốc bị thiệt hại nặng nề. Theo các chuyên gia, các tỉnh miền Tây Cuba có khoảng gần 97.000 ha các loại hoa màu, trong đó chủ yếu là chuối thực phẩm, rau quả, đậu hạt, mía đường và một số cây quan trọng khác, bị tàn phá nặng nề. Các vùng nơi bão Sandy đi qua tập trung hơn 92% diện tích nông nghiệp trồng trọt của cả nước.

Các nhà phân tích của Liên Hợp Quốc dẫn phát biểu của Phó Chủ tịch Cuba Jose Ramon Machado trên nhật báo Granma cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay của Cuba là tiếp tục đảm bảo lương thực, thực phẩm cho toàn dân trong những tháng tới.

Nông nghiệp được xác định là ngành quan trọng nhằm giúp Cuba thoát khỏi khủng hoảng kinh tế. Mặc dù sở hữu lượng đất đai phì nhiêu lớn nhưng mỗi năm Cuba vẫn phải chi hàng tỷ đôla cho việc nhập khẩu các sản phẩm lương thực, thực phẩm. Chính phủ Cuba đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm tiến tới có thể tự túc lương thực nhưng các trận thiên tai xảy đến bất ngờ với sức tàn phá khủng khiếp luôn có thể tác động tới những cố gắng này./.