Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Susan Rice ngày 3/4 cho biết, Mỹ ủng hộ việc Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết triển khai một lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc do các nước châu Phi đứng đầu tới Mali, sau khi kết thúc chiến dịch quân sự truy quét các phiến quân Hồi giáo ở miền Bắc nước này.
Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Jeffrey Feltman đã trình bày một báo cáo của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, trong đó đề cập việc chuyển lực lượng châu Phi trở thành lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Mali với 11.200 binh sỹ và 1.440 cảnh sát.
Phát biểu sau cuộc họp này, bà Susan Rice cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ sứ mệnh của Liên Hợp Quốc do một đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đứng đầu nhằm bảo đảm duy trì những thắng lợi về an ninh mà lực lượng châu Phi đã giành được trong vài tháng qua cũng như thúc đẩy tiến trình chính trị tại Mali. Mục đích của sứ mệnh đó nhằm góp phần tăng cường an ninh, xây dựng một nhà nước dân chủ ở Mali trong đó có sự tham gia của tất cả các cộng đồng và khôi phục lại toàn vẹn chủ quyền và lãnh thổ của Mali”.
Đại sứ Mỹ cho rằng cần sớm chuyển lực lượng châu Phi trở thành lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Mali.
Pháp hiện có khoảng 4.000n quân ở Mali. Pháp có kế hoạch bắt đầu rút quân từ cuối tháng 4 này và lực lượng châu Phi dự kiến sẽ tiếp quản nhiệm vụ trong thời gian Mali chuẩn bị cho các cuộc bầu cử được dự kiến tổ chức vào tháng 7 tới.
Pháp đã bắt đầu chiến dịch can thiệp quân sự vào Mali từ tháng 1 vừa qua nhằm ngăn chặn và truy quét lực lượng phiến quân ở khu vực miền Bắc nước này. Dưới sự hỗ trợ của Pháp, các lực lượng Mali và châu Phi đã đẩy lùi phiến quân ra khỏi nhiều khu vực ở miền Bắc, tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn diễn ra giao tranh giữa hai bên./.