Mỹ đang xem xét việc áp đặt một khu vực cấm bay tại Syria khi nước này đang cân nhắc các lựa chọn nhằm can thiệp trực tiếp vào cuộc nội chiến này. Đây có thể là một bước ngoặt lớn đối với cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 2 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.

Tuy nhiên, “kịch bản Lybia”  lần này khó có thể tái diễn khi chính Mỹ cũng phải thừa nhận, đây là một kế hoạch phức tạp và khó khăn hơn nhiều.

aleppo.jpg
Lực lượng nổi dậy Syria rại Aleppo (Ảnh: Reuters)

Sau nhiều tháng tranh luận, chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama quyết định sẽ vũ trang cho lực lượng đối lập Syria sau khi tuyên bố có các bằng chứng xác thực về việc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc giao tranh với nhóm vũ trang.

Gần đây, Mỹ cũng đã có những động thái nhằm chuẩn bị cho khả năng thành lập vùng cấm bay tại Syria. Quân đội Mỹ đã đưa tên lửa đất đối không patriot, máy bay chiến đấu và hơn 4.000  binh sĩ đến Jordan. Ban đầu Mỹ tuyên bố lực lượng này đến Jordan để tập trận, nhưng hôm 14/6 cho biết sẽ tiếp tục ở lại dù tập trận đã kết thúc. Mỹ mấy ngày qua cũng thông báo khả năng hỗ trợ quân sự trực tiếp cho lực lượng đối lập Syria.

Liệu một kịch bản Lybia cách đây 2 năm có lặp lại tại Syria?

Đánh giá về khả năng này, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cho biết, Mỹ không hề loại bỏ khả năng lập vùng cấm bay nhưng thừa nhận đây là một vấn đề phức tạp.

Việc thiết lập vùng cấm bay đòi hỏi Mỹ phải phá hủy hệ thống phòng không hiện đại của Syria, do Nga trang bị, tương tự như cách NATO can thiệp vào cuộc chiến để lật đổ Cựu Tổng thống Lybia hai năm trước đây.

Nhà Trắng ngày 14/6 cũng cho rằng, thiết lập một khu vực cấm bay tại Syria sẽ khó khăn và tốn kém hơn nhiều. Mỹ cũng không đạt được lợi ích quốc gia khi theo đuổi lựa chọn này.

Pháp gần đây khẳng định, không thể áp đặt vùng cấm bay nếu không có sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, mà điều đó hiện giờ khó có thể xảy ra khi  Nga – một nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an bày tỏ nghi ngờ về những bằng chứng mà Mỹ đưa ra cáo buộc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học.

Chính các quan chức Mỹ cũng phải thừa nhận, việc áp đặt vùng cấm bay tại Syria cũng khó có thể chấm dứt được cuộc chiến kéo dài hai năm qua tại Syria, với ưu thế đang nghiêng về quân chính phủ trong những tháng gần đây.

Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes nhấn mạnh: “Khi lực lượng chính phủ và đối lập đang chiến đấu để tranh giành từng mét đất, đó không phải là một vấn đề bạn chỉ có thể giải quyết từ trên không. Vì vậy, mọi người cần hiểu rằng, vùng cấm bay không phải là loại đạn bạc giúp chăn chặn các cuộc giao tranh, theo một khía cạnh nào đó là một cuộc xung đột sắc tộc đang diễn ra mạnh mẽ trên mặt đất”.

Chính vì vậy, các quan chức phương Tây nhận định, Mỹ đang xem xét việc áp đặt khu vực cấm bay giới hạn tại khu vực gần biên giới phía nam của Syria với Jordan để giúp lực lượng đối lập.

Lực lượng đối lập Syria cũng đang hối thúc các nước phương Tây vũ trang, bao gồm vũ khí hạng nặng và thiết lập vùng cấm bay tại Syria. Lực lượng đối lập khẳng định, nếu được vũ trang tốt có thể đánh bại quân đội của Tổng thống Assad trong vòng 6 tháng. Dự kiến Tổng thống Mỹ Obama sẽ cố gắng thuyết phục Tổng thống Nga Putin ngừng hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Assad bên lề hội nghị thượng đỉnh G8 vào tuần tới

Trước đó, Mỹ và Nga kêu gọi tổ chức một hội nghị quốc tế tại Geneva để tìm ra một giải pháp ngoại giao cho cuộc nội chiến Syria. Tuy nhiên, với quyết định trang bị vũ khí cho phe đối lập Syria, Mỹ dường như đã thẳng tay phá vỡ những nỗ lực chung của cả hai bên./.