Liên Hợp Quốc mới đây công bố báo cáo cho thấy số người thiệt mạng do xung đột tại Syria đã tăng lên 93.000 người và từ giữa năm ngoái tới nay, mỗi tháng có ít nhất 5.000 người bị giết hại. Đây là một con số đáng báo động khi mà tới nay cộng đồng quốc tế vẫn bế tắc trong việc tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng và những ngày qua đang cho thấy những bất đồng sâu sắc về vấn đề này.Sau khi Chính phủ Mỹ công bố kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ khẳng định quân đội Chính phủ Syria đã nhiều lần sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này, hôm 14/6 chính quyền Syria đã lên tiếng bác bỏ và khẳng định, cáo buộc của Mỹ là "dối trá" và dựa trên "các nguồn tin bịa đặt".
Người dân ở Khan al-Assal, phía bắc Aleppo ngày 23/3 nói rằng những con vật này bị chết là do vũ khí hóa học (Ảnh: Reuters) |
Theo Đại sứ Syria tại Nga Riyad Haddad, chính các nhóm nổi dậy ở Syria đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột và Chính phủ Syria hồi tháng 3 vừa qua đã đề nghị Liên Hợp Quốc tiến hành điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học của lực lượng nổi dậy trong cuộc tấn công tại thành phố Aleppo.
Tuyên bố đưa ra chỉ vài giờ sau khi một quan chức Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, những thông tin và sự kiện mà Mỹ đưa ra trong cáo buộc chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học là "không thuyết phục". Ông này cũng cảnh báo, quyết định của Mỹ viện trợ quân sự cho phe đối lập Syria sẽ làm tổn hại sáng kiến hòa bình mới cho cuộc khủng hoảng ở Syria do Mỹ và Nga đề xuất.
Những tuyên bố này đã cho thấy những bất đồng sâu sắc trong cộng đồng quốc tế liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Syria. Và đây cũng là lý do mà tới nay sau hơn 2 năm bùng phát xung đột, vẫn không có một giải pháp hữu hiệu nào được đưa ra để chấm dứt bạo lực, mà theo Liên Hợp Quốc là đã làm 93.000 người chết.
Ngày 13/6 vừa qua, chính quyền Mỹ đã kết luận rằng lực lượng quân đội của Tổng thống Syria đã sử dụng vũ khí hóa học “với quy mô nhỏ” để chống lại các lực lượng nổi dậy. Ông Ben Rhodes, Phó cố vấn an ninh quốc gia Tổng thống Mỹ Barack Obama thậm chí còn nhấn mạnh, Tổng thống Mỹ đã nói rõ rằng việc sử dụng vũ khí hóa học, hoặc chuyển vũ khí hóa học cho các nhóm khủng bố - là một ngưỡng giới hạn đối với Mỹ. Chính vì thế, động thái của chính quyền Mỹ được nhìn nhận là có thể dẫn tới sự can thiệp trực tiếp của Mỹ vào cuộc khủng hoảng tại Syria.
Những dự báo này càng có cơ sở khi tờ "Nhật báo Phố Wall" của Mỹ số ra hôm 14/5 dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết quân đội nước này đang đề xuất vũ trang cho lực lượng đối lập Syria, trong đó có thiết lập một vùng cấm bay giới hạn quanh các trại huấn luyện của lực lượng nổi dậy.
Trong bối cảnh này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố bày tỏ hy vọng Ủy ban điều tra độc lập của Liên Hợp Quốc về Syria sẽ tiến hành điều tra một cách khách quan và công bằng về các cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại quốc gia Trung Đông này.
Trong khi đó, dù khẳng định tôn trọng cam kết của các đối tác về việc trợ quân sự cho phe đối lập Syria, song Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cũng nhấn mạnh, nước này sẽ không chuyển vũ khí tới quốc gia Trung Đông này, đồng thời thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đạt được tiếng nói chung.
“Việc sử dụng vũ khí hóa học trong xung đột tại Syria là rất nghiêm trọng. Đức sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin về Syria với các đối tác và mong muốn đồng bảo an Liên Hợp Quốc thảo luận để đi tới một lập trường chung. Chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt khủng hoảng" - ông Westerwelle nói.
“Tiếng nói chung” có lẽ là điều cần nhất lúc này nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 2 năm qua tại Syria. Bởi có đạt được tiếng nói chung cộng đồng quốc tế mới có thể phối hợp và nhất quán hành động. Như một nhà ngoại giao kỳ cựu Mỹ từng nói: “Dù dị khẩu nhưng phải đồng thanh, đừng không ngừng nói tốt mà nên ngăn chặn việc giết hại dân thường vô tội cũng như bắt đầu quá trình chuyển đổi chính trị”./.