Chính phủ Mỹ thông báo, các nhà lãnh đạo nước này sẽ tiếp tục các nỗ lực thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine bên lề phiên họp thường niên của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vào cuối tuần này ở New York (Mỹ). Các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào giải pháp hai nhà nước nhằm kết thúc cuộc xung đột kéo dài giữa hai bên. Giới phân tích tỏ ra lạc quan về triển vọng các cuộc đàm phán mặc dù còn nhiều trở ngại, nhất là vấn đề định cư.
Cố vấn an ninh Nhà Trắng Ben Rhodes cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Palestine Mahmoud Abbas vào ngày 24/9, bên lề phiên họp thường kỳ của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York (Mỹ). Đây là lần đầu tiên 2 lãnh đạo cao nhất của Mỹ và Palestine có cuộc gặp trực tiếp kể từ khi tiến trình hòa bình Trung Đông được nối lại hồi tháng 7 vừa qua.
Theo cố vấn an ninh Nhà Trắng, đây là cơ hội quý giá để ông Obama khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với cuộc hòa đàm giữa Israel - Palestine và hoan nghênh những bước tiến 2 bên đã đạt được. Cuộc gặp trên diễn ra 6 ngày trước chuyến thăm Nhà Trắng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Hiện vấn đề hòa bình Trung Đông đang là ưu tiên hàng đầu của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ông Kerry cho biết: “Tôi đã nói chuyện trực tiếp với cả hai nhà lãnh đạo và mục tiêu của việc chúng tôi đang làm đó là hai quốc gia sẽ cùng tồn tại song song trong hòa bình và an ninh”.
Trong các phát biểu trước khi lên đường tham dự phiên họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, cả Thủ tướng Israel và Tổng thống Palestine đều bày tỏ sẽ nỗ lực để đàm phán đạt kết quả, mặc dù thừa nhận còn nhiều trở ngại.
Mới đây, Israel chấp thuận cấp 5.000 giấy phép lao động cho người dân Palestine tại khu Bờ Tây, tạo điều kiện cho họ tìm công việc tại Israel. Theo các quan chức chính quyền Israel, quyết định này nằm trong khuôn khổ tiến trình đàm phán hòa bình song phương, nhằm mục đích tạo điều kiện cho người Palestine cải thiện tình hình kinh tế.
Nhiều nhà quan sát nhận định, quyết định quan trọng này phần nào thể hiện rõ thiện chí hướng tới hòa bình, chấm dứt cuộc đàm phán kéo dài giữa hai bên sau 3 năm gián đoạn.
Trong khi đó, vấn đề định cư của Israel cho đến nay vẫn được coi là trở ngại chính cho các cuộc đàm phán. Người phát ngôn của tổ chức phát triển quốc tế Oxfam của Anh, Alun MacDonald cho rằng: “Có nhiều lý do để cảm thấy tích cực, nhưng cũng chưa thể lạc quan khi mà trong vài tuần qua lại có thêm các thông báo về xây nhà định cư, sự phá hủy các ngôi nhà và sự chiếm đóng vẫn diễn ra”.
Nhà đàm phán trước đây của Israel ông Uri Savir cho rằng, thỏa thuận Oslo, “bản tuyên bố những nguyên tắc”, được coi là bước đột phá trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa người Arab và người Do Thái, đã được Palestine và Israel ký kết vào năm 1993, đến nay vẫn chưa hoàn toàn mất hết ý nghĩa.
Ông Uri Savir tin tưởng một giải pháp hai nhà nước vẫn có thể đạt được: “Tiến trình đàm phán cần thời gian. Đó là một tiến trình khó khăn. Nhưng nền tảng của nó vẫn còn. Một giải pháp hai nhà nước vẫn có thể đạt được và tôi không nghi ngờ điểu này”./.