Đây là tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại thủ đô Paris hôm 8/9 sau cuộc gặp với các quan chức của Liên đoàn Arab (AL).

Cho tới nay, cộng đồng quốc tế vẫn luôn kỳ vọng vào thái độ tích cực cùng hướng tới hòa đàm của cả hai phía sẽ giúp mở ra một triển vọng hòa bình cho toàn khu vực Trung Đông vốn đang ngày càng lún sâu vào bất ổn.

Ngoại trưởng Mỹ Kerry cho rằng, bất chấp khó khăn và áp lực còn tồn tại, cả hai phía Israel và Palestine vẫn kiên định với quyết tâm theo đuổi tiến trình đàm phán.

kerry_copy.jpg
Ông Kerry lạc quan về tiến trình hòa bình Trung Đông (Ảnh Al-Jazeera)

Cũng theo quan chức đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, cả Mỹ và Liên đoàn Arab đều nhất trí rằng, việc đạt được một thỏa thuận cuối cùng giữa hai bên đóng vai trò quan trọng đối với an ninh và ổn định của khu vực Trung Đông.

Trước khi khởi hành tới London để gặp gỡ Tổng thống Palestine Mahmud Abbas, ông Kerry cũng bày tỏ mong muốn có cơ hội gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để thảo luận về nỗ lực của các bên trong tiến trình hòa đàm.

Trong khi đó, Israel vừa tuyên bố chấp thuận cấp 5.000 giấy phép lao động cho người dân Palestine tại khu Bờ Tây, tạo điều kiện cho họ tìm công việc tại nhà nước Do Thái.

Theo các quan chức chính quyền Israel, quyết định này nằm trong khuôn khổ tiến trình đàm phán hòa bình song phương, nhằm mục đích tạo điều kiện cho người Palestine cải thiện tình hình kinh tế.

Quyết định này ngay lập tức vấp phải sự phản đối và chỉ trích từ một số quan chức cấp cao trong chính quyền Israel. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát vẫn nhận định, quyết định quan trọng này phần nào thể hiện rõ thiện chí hướng tới hòa bình, chấm dứt cuộc đàm phán kéo dài giữa hai bên sau 3 năm gián đoạn mà cho đến nay vẫn chưa đạt được bất kỳ tiến bộ nào.

Dường như quyết định này đang hé mở một cơ hội mới cho cuộc đàm phán hòa bình đang rơi vào bế tắc giữa Israel và Palestine, mà chính ông Yasser Abed Rabbo- phụ tá cao cấp của Tổng thống Palestine Abbas mới đây còn nhận định rằng sẽ không mang lại kết quả gì và sẽ không đi tới đâu.

Trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Palestine đầu tuần trước, ông Rabbo cho biết, các cuộc đàm phán được khởi động từ cuối tháng 7/2013 sau 3 năm gián đoạn cho đến nay vẫn chưa có tiến triển, và rằng ông không mong đợi bất kỳ một sự tiến bộ nào trong quá trình đám phán trừ khi có áp lực mạnh mẽ từ phía Mỹ.

Trưởng đoàn đàm phán của Palestine Saeb Erekat cũng đã từng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Mỹ cũng như các đối tác quốc tế đối với tiến trình hòa bình của nước này với Israel: “Chúng tôi cần sự giúp đỡ và ủng hộ của Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu, nhóm Bộ Tứ các nhà đàm phán, cũng như các quốc gia Arab. Một khi chúng tôi đạt được thỏa thuận hòa bình, chúng tôi sẽ cần tới sự hỗ trợ của tất cả các bên”.

Sau những cố gắng ngoại giao con thoi kéo dài nhiều tháng của Ngoại trưởng Mỹ Kerry, đàm phán Israel -Palestine chính thức tái khởi động từ ngày 29/7. Vị quan chức này trước đó đã vạch một kế hoạch 9 tháng để hai bên có thể giải quyết những bất đồng.

Tuy nhiên, vật cản chính trong tiến trình đàm phán hướng tới hòa bình giữa hai bên lại xuất hiện khi Israel công bố một kế hoạch xây dựng hơn 2 nghìn khu nhà định cư trên phần lãnh thổ Palestine chiếm đóng.

Giới chức Palestine hôm qua hối thúc Liên minh châu Âu (EU) thực hiện chỉ thị trừng phạt Israel liên quan đến việc xây dựng các khu định cư trái phép, cảnh báo việc trì hoãn hoặc không thực hiện quyết định sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình đàm phán và phá vỡ hy vọng về một hòa bình dựa trên giải pháp hai nhà nước./.