Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 25/4 phải đưa ra tuyên bố trên và cho rằng, điều này là cần thiết để các bên cùng tìm kiếm giải pháp thay thế.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định động thái này không có nghĩa rằng Washington đã từ bỏ hy vọng vào những nỗ lực đạt được hòa bình cho Trung Đông.
Nỗ lực làm trung gian cho hoà bình Trung Đông của ông Obama (giữa) dường như không đạt kết quả như mong muốn (Ảnh Reuters) |
Phát biểu với báo giới tại Seoul khi đang ở thăm Hàn Quốc, Tổng thống Obama tuyên bố sẽ tạm dừng các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine vì các nhà lãnh đạo 2 bên đều thiếu thiện chí trong việc đưa ra các nhượng bộ có ý nghĩa.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Jen Psaki dẫn lời Ngoại trưởng nước này John Kerry tin rằng, tiến trình hòa đàm Trung Đông hiện chưa thất bại mà đang ở trong giai đoạn chuyển giao. Đây là thời điểm các bên tạm ngừng mọi hoạt động để Israel và Palestine cùng xem xét các khả năng và đưa ra những quyết định tiếp theo.
Bà Psaki cho biết: “Trong cuộc nói chuyện với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày 25/4, Ngoại trưởng Kerry đã nhận được sự đảm bảo rằng bất cứ Chính phủ nào được thành lập cũng sẽ tiếp tục các chính sách hòa giải với Israel và cam kết phi bạo lực, tuân thủ các thỏa thuận trước đây cũng như tiếp nối đàm phán hòa bình hướng tới giải pháp 2 nhà nước”.
Tuyên bố của Mỹ đưa ra trong bối cảnh Phong trào Fatah kiểm soát Bờ Tây và Phong trào Hamas ở Dải Gaza vừa đạt được thỏa thuận hòa giải hôm 23/4 vừa qua.
Mỹ và Israel lên án gay gắt thỏa thuận này. Tổng thống Obama cho rằng việc hai lực lượng đối lập của Palestine quyết định thành lập một chính phủ hòa giải sau 7 năm chia cắt là một bước đi “không có tác dụng” và gây tổn hại tới những tiến bộ trong các vòng hòa đàm Trung Đông.
Phong trào Hamas của Palestine bị Mỹ và Israel coi là 1 tổ chức khủng bố và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ không bao giờ đàm phán với một Chính phủ do một tổ chức khủng bố thề hủy diệt Israel hậu thuẫn.
Nội các Israel đã quyết định ngừng đàm phán hòa bình và áp đặt trừng phạt kinh tế với chính quyền Palestine.
Tổng biên tập tạp chí Thời đại của Israel David Horovitz nhận định: “Đối với Chính phủ Israel, có những Đảng cánh hữu kịch liệt phản đối đàm phán hòa bình. Cũng có những Đảng trung tả muốn cam kết với tiến trình hòa đàm. Nhưng thỏa thuận hòa giải của 2 phong trào ở Palestine đã khiến các đảng đối lập của Israel xích lại gần nhau và cùng lên tiếng đổ lỗi cho Palestine vì đã không theo đuổi hòa bình”.
Tuy nhiên, thỏa thuận hòa giải giữa 2 phong trào ở Palestine lại nhận được sự ủng hộ từ Liên Hợp Quốc. Điều phối viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông Robert Serry trong cuộc gặp với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hôm 24/4 khẳng định Liên Hợp Quốc ủng hộ việc thành lập một Chính phủ đoàn kết của Palestine, coi đây là con đường duy nhất tiến tới việc thống nhất khu Bờ Tây và Dải Gaza dưới một chính quyền hợp pháp.
Ông Serry cũng khuyến cáo các bên liên quan kiềm chế những hành động có khả năng phá hoại các nỗ lực xây dựng một cuộc đàm phán có ý nghĩa.
Có thể thấy, thỏa thuận hòa bình giữa Hamas và Fatah chỉ là “giọt nước tràn ly” khi cả Israel và Palestine đều có những động thái được cho là không mang tính xây dựng đối với tiến trình đàm phán hòa bình trong suốt 9 tháng qua.
Sau “thất bại” này, có lẽ chính quyền Tổng thống Obama sẽ phải thay đổi quan niệm rằng hòa bình Trung Đông có thể “chín ép” bằng cách đưa Israel và Palestine quay trở lại bàn đàm phán một cách gượng gạo, khi thực chất các bên còn quá khác xa về quan điểm và chưa tìm được một lợi ích chung có thể chia sẻ./.