Chính quyền Palestine hôm qua (31/3) đã ra tối hậu thư cho chính quyền Mỹ phải giải quyết vấn đề tù nhân trong vòng 24 giờ, nếu không, nước này sẽ tiếp tục các bước đi xin gia nhập các cơ quan Liên Hợp Quốc, trong đó có Tòa án hình sự quốc tế.

Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh, Chính phủ Israel đã trì hoãn đợt phóng thích tù nhân cuối cùng theo đúng cam kết đưa ra hồi tháng 7/2013, đặt tiến trình hòa bình Trung Đông trước nguy cơ đổ vỡ.

kerry-israel1.jpg
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) trong một cuộc hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bàn về hòa bình Trung Đông (Ảnh: AFP)

Ngày 31/3, phát biểu sau cuộc họp ban lãnh đạo Palestine, ông Moustapha Barghouthi, một nghị sĩ độc lập tuyên bố, nếu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry không đưa ra được câu trả lời rõ ràng về vấn đề tù nhân Palestine, ban lãnh đạo Palestine sẽ khởi động tiến trình xin gia nhập các tổ chức Liên Hợp Quốc.

Theo phía Palestine, sẽ không có việc kéo dài thời gian đàm phán sau hạn chót ngày 29/4 chừng nào Israel còn mở rộng hoạt động định cư tại những vùng chiếm đóng của Palestine. Giới chức Palestine cũng bác bỏ mọi mối liên quan giữa việc thả tù nhân và mở rộng đàm phán.

Trong bối cảnh này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lần thứ 2 trong vòng 1 tuần đã phải thay đổi lịch trình và vội vã quay lại Trung Đông trong nỗ lực cứu vãn tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Tiến trình do Mỹ làm trung gian này đang phải đối mặt với khủng hoảng khi Israel từ chối tiến hành đợt thả tù nhân cuối cùng nhằm đạt được một cam kết của Palestine tiếp tục đàm phán sau khi thời hạn chót cuối tháng 4 tới kết thúc.

Tuần trước, ông Kerry cũng đã phải rút ngắn lịch trình chuyến thăm Italy để tới Jordan gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas để thuyết phục ông này đồng ý với đề xuất của Israel, đồng thời thúc giục Israel thực hiện cam kết.

Theo các nhà phân tích, với sự quay trở lại Trung Đông lần này, ông Kerry muốn phát đi thông điệp rằng, Mỹ tin tưởng vẫn còn cách để cứu vãn đàm phán, song nếu các bên không cho thấy quyết tâm thì sự kiên nhẫn của Mỹ không phải là không có giới hạn. Tại cuộc họp báo ngày 31/3, Người phát ngôn Nhà trắng Jay Carney một lần nữa khẳng định những nỗ lực của chính phủ Mỹ, đồng thời kêu gọi các bên liên quan thể hiện tinh thần xây dựng.

Ông Carney nói: “Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và nhóm đàm phán của chúng tôi đang tích cực làm việc  nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các bên. Thực tế là 8 tháng qua, Israel và Palestine đã đưa ra những lựa chọn khó khăn và chúng tôi đang làm việc với họ để xác định những bước đi tiếp theo. Điều quan trọng là họ phải luôn nhớ rằng chỉ có hòa bình mới có thể mang lại cho nhân dân Israel và Palestine an ninh và sự thịnh vượng, điều mà họ mong muốn và xứng đáng được hưởng”.

Có thể thấy, những nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế mà cụ thể là Mỹ nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông là không hề dễ dàng khi liên tục vấp phải khó khăn. Ngay cả việc các bên nhất trí ngồi vào bàn đàm phán hồi giữa năm 2013, sau hơn 3 năm ngưng trệ cũng chỉ là một “sự miễn cưỡng”.

Giữa Israel và Palestine vẫn còn quá nhiều những nghi kỵ và tính toán. Vấn đề tù nhân mới chỉ là một trong số rất nhiều vấn đề gây căng thẳng giữa Israel và Palestine như vấn đề các khu định cư Do Thái, vấn đề người tị nạn Palestine và việc kiểm soát Jerusalem, nhất là những khu vực linh thiêng của người Hồi giáo… Vì thế, nếu các bên không thực sự quyết tâm tìm kiếm sự thỏa hiệp thì tiến trình hòa bình Trung Đông sẽ mãi chỉ là một tiến trình quanh co, không lối thoát./.