Trong khi Mỹ vẫn đang tìm cách xoa dịu sự "nổi giận" của Pháp liên quan đến vụ bê bối nghe lén của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ thì Đức hôm qua (23/10) tiếp tục bày tỏ lo ngại về việc mật vụ Mỹ theo dõi điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong nhiều năm qua.

Những tiết lộ mới này có thể khiến mối quan hệ đồng minh truyền thống với các đối tác châu Âu của Mỹ bị rạn nứt, cũng như đe dọa Thỏa thuận thương mại tự do Mỹ-Liên minh châu Âu (EU) có thể đạt được vào cuối năm nay.

thu%20tuong%20duc%20merkel%20tuc%20gian.jpg
Thủ tướng Đức Merkel không "hài lòng" về bản thân bà bị tình báo Mỹ theo dõi điện thoại (ảnh: Guardian)

Trong tuyên bố hôm qua với lời lẽ cứng rắn, người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, nếu những thông tin cho thấy Mỹ giám sát điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel là sự thật, điều này sẽ gây xói mòn lòng tin nghiêm trọng.

Bà nói: Là những đối tác và bạn bè gần gũi với Mỹ trong nhiều thập kỉ qua, Mỹ "không nên thực hiện các hoạt động như vậy đối với một nhà lãnh đạo quốc gia". Hành động đó cần dừng lại ngay lập tức.

“Không chấp nhận được”

Thủ tướng Đức Merkel cũng đưa ra phản ứng mạnh mẽ sau khi xuất hiện thông tin này và ngay lập tức có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama yêu cầu làm rõ những thông tin liên quan tới vụ việc. Thủ tướng Merkel khẳng định, nếu những cáo buộc này được chứng minh là sự thực thì đây là điều hoàn  toàn không thể chấp nhận được.

Phản ứng trước sự "giận dữ" của chính phủ Đức, Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết, Mỹ không giám sát và sẽ không giám sát các hoạt động liên lạc của Thủ tướng Merkel.

Tổng thống Obama vẫn đánh giá cao mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Đức trong các vấn đề an ninh và quốc tế.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết: “Mỹ đánh giá cao mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Đức trong việc đối phó với các thách thức về an ninh. Mỹ đang xem xét những bước đi giúp hai bên có thể thu thập được thông tin tình báo giúp giải tỏa mối lo ngại của các đồng minh. Cả hai lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác hơn nữa giữa các cơ quan liên quan, với mục tiêu đảm bảo an ninh hai nước và các đối tác cũng như bảo vệ người dân”.

Chính phủ Mỹ đang chịu sức ép từ scandal nghe lén và đọc trộm (ảnh: Guardian)

Thủ tướng Đức Merkel là đồng minh mới nhất của Mỹ bày tỏ lo ngại về chương trình giám sát của Mỹ.

Pháp đưa vấn đề ra Hội nghị EU?

Pháp cũng đang gây sức ép với Mỹ sau khi có thông tin Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ giám sát hàng chục triệu cuộc điện thoại của của công dân nước này.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đang thúc đẩy việc đưa vấn đề gián điệp của Mỹ vào chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu (EU) tại thủ đô Brussels (Bỉ) hôm 24/10.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama đầu tuần này, Tổng thống Hollande yêu cầu sự hợp tác song phương trong việc điều tra các cáo buộc gián điệp của Mỹ. Người phát ngôn chính phủ Pháp cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chấp nhận yêu cầu này. Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh, các hoạt động thu thập tình báo phải được tiến hành theo một nghị định khung để có thể đối phó với chủ nghĩa khủng bố hiệu quả hơn.

Mỹ, Pháp, Đức là những đồng minh gần gũi trong hàng chục năm qua. Tuy nhiên, những tiết lộ gần đây của Cựu nhân viên Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ Edward Snowden cho thấy vẫn có “sóng ngầm” trong mối quan hệ hợp tác này.  

Chuyên gia nghiên cứu Volker Perthes của Viện nghiên cứu các vấn đề an ninh và quốc tế tại Berlin (Đức) nhận định, "lòng tin là chỉ số quan trọng trong các mối quan hệ quốc tế. Chỉ số lòng tin bị ảnh hưởng có thể gây ra những rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ". 
Những tiết lộ mới này có thể ảnh hưởng đến việc tiến tới một thỏa thuận giữa Mỹ và Liên minh châu Âu vào cuối năm nay./.