Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tối 2/8, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng, thảo luận các biện pháp nhằm mở rộng quan hệ song phương, tăng cường hợp tác và các vấn đề chung trong khu vực.

sing_my_lueo.jpg
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng. (Ảnh: Reuters)

Trong phát biểu sau cuộc gặp, Tổng thống Obama khẳng định, Singapore là đối tác vững chắc của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh hai nước đều cùng chia sẻ tầm nhìn về một khu vực châu Á-Thái Bình Dương thịnh vượng và một thế giới an toàn hơn.

Tổng thống Obama nói: “Nước Mỹ đang cân bằng lại chính sách ngoại giao của mình hướng đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Singapore. Singapore luôn là nơi neo đậu của tàu thuyền chúng tôi khi hiện diện ở khu vực này. Mỹ và Singapore cam kết tiếp tục hợp tác để đối phó với các mối đe dọa của thế kỷ 21 như khủng bố, cực đoan, hay các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu”.

Tổng thống Mỹ cũng bày tỏ sự thán phục về sự phát triển của đảo quốc Sư tử khi mà chỉ trong 50 năm qua, từ một đất nước nhỏ bé đến nay Singapore đã trở thành một đất nước phát triển thịnh vượng.

Thủ tướng Lý Hiển Long cũng một lần nữa nhắc lại tầm quan trọng của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà cả hai nước đều tham gia ký kết, đồng thời hối thúc lưỡng viện Quốc hội Mỹ sớm thông qua văn kiện này.

Ông Lý Hiển Long nói: “Tôi biết rằng,nước Mỹ có rất nhiều mối bận tâm ở cả trong nước và nước ngoài. Nhiều người Mỹ lo lắng và thất vọng về sự bất ổn kinh tế toàn cầu, sự phát triển không đồng đều của thương mại hóa toàn cầu cũng như sự tham gia của nước ngoài vào Mỹ.

Tuy nhiên, tôi cho rằng TPP đem lại cho Mỹ nhiều lợi ích hơn là những lo lắng đó. TPP  không chỉ mang lại lợi ích cho người lao động, các doanh nghiệp Mỹ mà còn phát đi tín hiệu rằng, nước Mỹ sẽ tiếp tục dẫn đầu tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Singapore luôn mong muốn và hy vọng vào điều đó”

Singapore và Mỹ là hai thành viên  tham gia ký kết thỏa thuận thương mại từ do đa phương cùng với 10 quốc gia khác là Canada, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Australia, Nhật Bản và Việt Nam.

TPP được hình thành với mục tiêu chính là xóa bỏ các loại thuế quan và rào cản hàng hóa xuất nhập khẩu, dịch vụ giữa các nước thành viên. Một khi có hiệu lực, TPP sẽ tạo nên một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới./.