Đây là nhận định của giới chuyên gia, trong bối cảnh vòng đàm phán hòa bình mới về Syria sẽ diễn ra hôm nay (29/11) tại Geneva. Rất nhiều nhà phân tích Mỹ cho biết, họ không hy vọng nhiều về kết quả đàm phán, cũng như việc Mỹ sẽ rút quân.
Giáo sư Daniel Serwer, nhà nghiên cứu tại Viện Trung Đông ở thủ đô Washington D.C cho rằng: “Tôi cho rằng Mỹ chưa có chính sách rõ ràng cho vấn đề Syria. Theo tôi, Lầu Năm Góc muốn duy trì quân đội tại Syria, trong khi Tổng thống lại không bác bỏ điều này hay thúc giục rút quân. Tuy nhiên, không rõ là Mỹ sẽ duy trì quân đội tại Syria trong bao lâu và phải cần những điều kiện gì để Mỹ bắt đầu rút quân. Vấn đề là một giải pháp chính trị tại Syria có thể sẽ khiến Mỹ rút quân. Nhưng thực sự tôi chưa thấy viễn cảnh này ở trước mắt”.
Cũng theo giáo sư Daniel Serwer, việc Mỹ rút quân nhanh chóng có thể khiến “tình hình ổn định gần đây trong khu vực” trở lại với các cuộc xung đột vũ trang. Sự điều chỉnh trong chính sách của Mỹ phụ thuộc vào sự chuyển biến của tình hình Syria. Và tất cả những trông chờ này đang được đặt vào vòng đàm phán hòa bình Syria mới tại Geneva.
Nhằm gỡ nút thắt cho cuộc nội chiến đã kéo dài hơn 6 năm qua tại Syria và cướp đi hơn 340.000 sinh mạng, cộng đồng quốc tế đang tiếp tục nỗ lực chung nhằm thúc đẩy cơ hội chuyển giao chính trị tại Syria, khôi phục hòa bình, ổn định tại quốc gia Trung Đông này.
Liên Hợp Quốc cho biết các đại diện của Chính phủ Syria sẽ đến và tham dự vòng đàm phán hòa bình thứ 8 tại Geneva (Thụy Sĩ) trong ngày hôm nay (29/11). Nội dung chi tiết cuộc đàm phán chưa được tiết lộ, song Liên Hợp Quốc trước đó cho biết vòng đàm phán thứ 8 này sẽ tập trung thảo luận về bầu cử và hiến pháp.
Syria xác nhận tham gia Đại hội đối thoại dân tộc Syria ở Nga
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura cho biết phe đối lập tại Syria đã lần đầu tiên lập một phái đoàn thống nhất với tên gọi Ủy ban Đàm phán Syria (SNC) để tham gia hòa đàm tại Geneva và đã sẵn sàng tiến hành cuộc thảo luận trực tiếp với phía chính phủ.
Đặc phái viên Mistura vẫn chưa chắc liệu vòng hòa đàm Syria mới này có thể diễn ra dưới dạng đối thoại trực tiếp hay không, song ông nhấn mạnh mục tiêu của Liên Hợp Quốc luôn là một cuộc đối thoại trực tiếp giữa các bên tại Syria.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc cũng nhấn mạnh giá trị và tầm quan trọng của các vòng đàm phán về hòa bình Syria diễn ra tại thủ đô Astana (Kazakhstan) do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian. Các nỗ lực này đã giúp thiết lập 4 vùng giảm căng thẳng tại Syria. Theo đó, Liên Hợp Quốc và Nga cùng cho rằng, đã có những tiến triển trong việc thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria và vấn đề quan trọng lúc này là thúc đẩy đối thoại giữa các bên tại Syria./.