Với tỷ lệ áp đảo 419 phiếu thuận, chỉ 1 phiếu chống, cuộc bỏ phiếu của Hạ viện Mỹ ngày 4/5 (theo giờ Mỹ) đã thông qua dự luật siết chặt trừng phạt Triều Tiên bằng việc nhằm mục tiêu vào nền công nghiệp vận tải và các doanh nghiệp làm ăn với quốc gia này. Mỹ xem việc áp dụng dự luật này sẽ là thông điệp mạnh mẽ gửi tới Triều Tiên nhằm loại bỏ các mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng.

ten_lua_trieu_tien_hdai.jpg
Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: AFP

Theo dự luật, các tàu Triều Tiên hoặc tàu của các nước, không tuân thủ theo nghị quyết của Liên Hợp Quốc về trừng phạt Triều Tiên, sẽ bị cấm hoạt động trong vùng biển Mỹ hoặc cập các cảng tại Mỹ.  Bất kỳ cá nhân, công ty nào sử dụng lao động do Triều Tiên gửi sang các nước khác cũng bị đưa vào tầm ngắm của các biện pháp trừng phạt này.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Ed Royce, người bảo trợ cho dự luật này khẳng định rằng, các công ty của Angola, Senegal và Qatar đều nhập khẩu lao động Triều Tiên, mang lại hàng tỷ USD ngoại tệ mỗi năm cho chính phủ Triều Tiên khi tiền lương của các lao động này được gửi về quê hương. Phía Mỹ muốn chấm dứt tình trạng này vì cho rằng đây là huyết mạch tài chính, đem lại nguồn thu cho chính phủ Triều Tiên để phát triển hạt nhân.

Các biện pháp trừng phạt cần phải được Thượng viện phê chuẩn trước khi nó có thể được gửi tới Nhà Trắng để Tổng thống Donald Trump ký ban hành thành luật.

Ngoài ra, chính quyền của Tổng thống Mỹ cũng có 90 ngày để báo cáo lên Quốc hội về việc có đưa Triều Tiên quay lại danh sách tài trợ khủng bố hay không. Nếu có, điều này đồng nghĩa Triều Tiên sẽ đối mặt với nhiều phương án trừng phạt hơn, bao gồm việc hạn chế nguồn tài trợ từ Mỹ.

Trong suốt thời gian qua, chính quyền của Tổng thống Trump luôn tìm kiếm lập trường cứng rắn hơn không chỉ đối với Triều Tiên mà còn với cả Trung Quốc và các quốc gia khác được cho là ủng hộ chính quyền Triều Tiên, khi Mỹ cho rằng chính sách "kiên nhẫn chiến lược" đối với Triều Tiên đã kết thúc.

Mỹ cũng đang tích cực tìm kiếm sự ủng hộ của các nước ASEAN trong vấn đề trừng phạt Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm qua (4/5) đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN để tìm kiếm sự ủng hộ về việc gây áp lực lên Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi của nước này.

Trước đó hôm 3/5, phát biểu trước nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Tillerson tuyên bố Mỹ sẵn sàng giáng thêm các đòn trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên nếu nước này tiếp tục thử hạt nhân và tên lửa.

Có thể thấy, cách giải quyết của chính quyền Tổng thống Trump hiện tập trung gây sức ép buộc Triều Tiên hủy bỏ các chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo của nước này thông qua việc siết chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và theo đuổi các giải pháp ngoại giao với các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực.

Trước viễn cảnh công nghệ tên lửa của Triều Tiên ngày càng được cải thiện,  Mỹ không thể làm ngơ. Chính phủ Mỹ đang phân vân rót tiền triển khai hệ thống Hệ thống đánh chặn tên lửa trên mặt đất (GMD), hiện được xem là cách duy nhất có thể giúp Mỹ chống lại một cuộc tấn công hạt nhân từ phía Triều Tiên./.