Dù phần nhiều mang tính thăm dò, song quả bóng đá qua lại giữa Mỹ và Iran cũng dự báo về một mối quan hệ chưa hẳn sẽ dễ thở hơn dưới thời tân Tổng thống Joe Biden.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBS về khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm đưa Iran trở lại bàn đàm phán, Tổng thống Joe Biden đã thẳng thừng bác bỏ. Theo Nhà lãnh đạo này, Mỹ sẵn sàng trở lại thỏa thuận hạt nhân song phải bằng bất kỳ giá nào.

Kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng, cộng đồng quốc tế vẫn luôn chờ đợi nhà lãnh đạo Mỹ sẽ làm gì để thực hiện lời hứa đưa Mỹ trở lại thỏa thuận, nhất là khi Iran luôn coi việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt là điều kiện tiên quyết.

Tuy nhiên, tuyên bố ngày hôm qua (5/2) của Tổng thống Joe Biden đã dự báo một chặng đường không hề ít chông gai phía trước. Trong khi Mỹ quyết không chịu là bên phải xuống thang trước, thì Iran cũng quyết không thay đổi lập trường.

Trước đó cùng ngày, trong một phát biểu trên truyền hình, Đại giáo chủ Ali Khamenei khẳng định, nếu muốn Iran đảo ngược các bước đi hạt nhân, Mỹ phải dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt: “Nếu muốn Iran quay trở lại các cam kết, Mỹ phải dỡ hoàn toàn các lệnh trừng phạt bằng hành động chứ không phải bằng lời nói hay trên giấy tờ. Một khi xác minh họ thực sự dỡ bỏ trừng phạt, chúng tôi sẽ quay trở lại các cam kết được nêu trong Kế hoạch hành động chung toàn diện. Đây là lập trường nhất quán của nước Cộng hòa Hồi giáo, được tất cả các nhà lãnh đạo, quan chức Iran nhất trí và chúng tôi sẽ không từ bỏ lập trường của mình.”

Dù phần nhiều mang tính thăm dò và tìm cách tạo bàn đạp nâng cao vị thế trên bàn đàm phán, song những động thái nắn gân lẫn nhau giữa Mỹ và Iran cũng dự báo về một chặng đường không hề ít chông gai phái trước. Trên thực tế, sách lược đối phó với Iran của chính quyền mới tại Mỹ vẫn khá mơ hồ. Điều này thể hiện rõ trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại của ông Joe Biden hồi đầu tuần qua khi nhà lãnh đạo này hầu như không nhắc tới Iran, dù đội ngũ của ông luôn nhấn mạnh đây là một ưu tiên quan trọng.

Tuy nhiên, ở hậu trường và trong khi chờ đợi cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa Mỹ và Iran, nhiều nỗ lực đã được thực hiện để cứu thỏa thuận. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javd Zarif những ngày gần đây nhiều lần khẳng định, Mỹ trước tiên phải thể hiện thiện chí của mình, song cũng gợi ý châu Âu có thể đóng vai trò trung gian. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi cuối tuần qua cũng đã có cuộc họp trực tuyến với những người đồng cấp Đức, Anh và Pháp nhằm thiết lập một mặt trận chung với 3 nước ký kết châu Âu. Những nước này luôn phản đối việc ông Đô-nan Trăm đơn phương rút khỏi thỏa thuận. Ngoại trưởng Antony Blinken cũng ngay lập tức bổ nhiệm một đặc phái viên về Iran.

Thời gian không còn nhiều cho tất cả các bên, đặc biệt ngày 21/2 tới là thời hạn chót Iran đặt ra để hạn chế quyền tiếp cận của các thanh sát viên quốc tế với những cơ sở hạt nhân của nước này. Đây là một lằn ranh đỏ có nguy cơ đẩy thỏa thuận hạt nhân tới bờ vực không thể cứu vãn. Tehran đang sử dụng điều này như một đòn bẩy để gây áp lực lên Washington./.