Kể từ khi Tổng thống Macron gặp Tổng thống Putin hôm 7/2 để cố gắng xoa dịu cuộc khủng hoảng ở biên giới Nga – Ukraine, các quan chức Mỹ vẫn giữ im lặng hoặc thậm chí tỏ vẻ hoài nghi về những gì các nước châu Âu coi là tiến triển trong việc ngăn chặn xung đột.
Giới chức Mỹ đã công khai bày tỏ nghi ngờ về những gì Tổng thống Pháp nói là sự đảm bảo mà ông có được từ Tổng thống Putin về việc không có sự leo thang của Nga.
Nga hiện có hơn 100.000 quân cùng một lượng lớn vũ khí tập trung ở biên giới giáp Ukraine. Mỹ và các nước châu Âu lo ngại Nga có thể sẽ thực hiện cuộc tấn công nhằm vào Ukraine.
“Chắc chắn, nếu có tiến triển ngoại giao, chúng tôi sẽ hoan nghênh điều đó nhưng chúng tôi sẽ tin điều đó khi tận mắt chứng kiến ở biên giới”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết.
Ban đầu, Washington hầu như tránh bình luận về chuyến thăm Nga của ông Macron, nói rằng họ muốn nghe trực tiếp từ Tổng thống Pháp.
Một thông cáo của Nhà Trắng chỉ lưu ý rằng hai nhà lãnh đạo đã nói về các cuộc gặp của ông Macron ở Nga và Ukraine.
Tuy nhiên, Mỹ khẳng định có sự phối hợp chưa từng có với các đồng minh trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine. Các nhà ngoại giao Pháp và các nước châu Âu cũng đồng ý với điều này, dẫn bằng chứng ông Biden và ông Macron đã điện đàm 3 lần trong vòng 8 ngày.
Các nước phương Tây đang xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc đối với Nga nếu nước này tấn công Ukraine.
“Hiện tại, Mỹ đã thận trọng ủng hộ nỗ lực ngoại giao của ông Macron, nhưng vẫn có sự hoài nghi do Washington tin rằng Nga vẫn quyết tâm có ý định tấn công Ukraine”, Celia Belin, nhà nghiên cứu người Pháp tại Viện Brookings, cho biết.
Trong một bài báo đăng hôm 10/2 trên trang web của tạp chí Foreign Affairs, bà Belin cho rằng “trái ngược với Mỹ và các cường quốc phương Tây khác, ông Macron đang gợi ý rằng Nga ‘hợp pháp’ khi nói rằng các yêu cầu an ninh của họ nên được thảo luận”.
Bà Belin cho biết, điều này phản ánh mong muốn của Pháp về những cuộc đối thoại với Nga và trang bị lại kiến trúc an ninh của châu Âu để nước này ít phụ thuộc hơn vào Mỹ.
“Tuy nhiên, Pháp cần hành động nhẹ nhàng để không gây ra rạn nứt giữa các đồng minh trong bối cảnh sự đoàn kết là biện pháp răn đe tốt nhất đối với Nga”, bà Belin nói./.