Quan hệ Mỹ-Cuba có thêm bước tiến mới với việc chính phủ Mỹ ngày 29/5 đưa Cuba ra khỏi danh sách những nước hỗ trợ khủng bố. Đây là một động thái mang tính quyết định nhằm mở đường cho việc mở lại đại sứ quán tại mỗi nước sau nửa thế kỷ căng thẳng, một triển vọng gần như là “không tưởng” chỉ cách đây 6 tháng. 

part_mvd_mvd6677737_1_1_0_7940_3284_9307_1432945398_dyni.jpg
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) bắt tay Chủ tịch Cuba Raul Castro trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia châu Mỹ hôm 11/4 ở Panama. (Ảnh: AFP)

Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, chính phủ nước này đã ra quyết định cuối cùng nhằm bãi bỏ việc liệt Cuba vào danh sách đen những nước bảo trợ chủ nghĩa khủng bố và chính thức có hiệu lực ngay từ ngày 29/05.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng thông báo cho quốc hội rằng, ông dự định đưa Cuba ra khỏi danh sách này, cho phép các nhà làm luật của nước này 45 ngày để kháng nghị và thời hạn này đã hết vào ngày 29/05.

Theo các nhà phân tích, đây là một bước đi phù hợp và tất yếu, vì lợi ích của nhân dân hai nước, nhất là nhân dân Cuba vốn gặp nhiều khó khăn do danh sách này. 

Ông Carlos Alzugaray, một cựu quan chức Ngoại giao Cuba nói: “Đây là một bước đi tất yếu bởi việc đưa Cuba vào danh sách này là vô lý. Cuba không bao giờ hỗ trợ các hoạt động khủng bố và cũng là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố. Quyết định này mang lại rất nhiều lợi ích. Bởi từ nay người dân Cuba sẽ không bị đối xử như một nước khủng bố và các công ty của chúng tôi có thể hoạt động bình thường với các ngân hàng”.    

Mỹ đưa Cuba vào danh sách đen khủng bố cùng với Iran, Syria và Sudan năm 1982, với cáo buộc nước này hỗ trợ các phong trào vũ trang tại Mỹ Latinh. Quyết định này đã gây ảnh hưởng nhiều tới nền kinh tế Cuba và cũng là một trong những rào cản chính đối với tiến trình bình thướng hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba sau hơn nửa thế kỷ bị đóng băng./.