“Bật đèn xanh” cho Israel

Ngày 22/12,  Văn phòng Thủ tướng Israel thông báo, Thủ tướng nước này Benjamin Netanyahu đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin bàn về việc hợp tác chống khủng bố, trong đó có nhắc đến tình hình tại Syria.

Hãng TASS của Nga cũng đưa tin, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng, không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục mở các cuộc đàm phán giữa các phe phái ở Syria dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc; cần phải tiếp tục cuộc chiến không khoan nhượng chống lại tổ chức khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và những nhóm cực đoan khác đang hoạt động tại Syria. 

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái). Ảnh: Breaking Times).

Sau cuộc điện đàm, Moscow và  Tel Aviv đều nhất trí sẽ duy trì các cuộc đối thoại giữa 2 bên ở các cấp khác, trong đó có mục tiêu cùng hành động trên mặt trận chống khủng bố.

Cuộc điện đàm giữa ông Putin và ông Netanyahu diễn ra 3 ngày sau khi một thủ lĩnh cấp cao của phong trào Hezbollah tên là Samir Kuntar bị tiêu diệt trong một vụ không kích của Israel ở Syria.

Trang PressTV ngày 20/12 cho biết, Israel đã cử các chiến đấu cơ không kích vào tư gia của Kuntar ở Jaramana, chỉ cách thủ đô Damascus của Syria 10 km về phía Đông Nam. Được biết khu vực này nằm trong tầm bảo vệ của hệ thống phòng không S-400 do Nga triển khai. 

s_400_txgw_ewnv.jpg
Hệ thống phòng không S-400 do Nga triển khai ở Syria. Ảnh: AFP

Bởi thế, các chuyên gia nhận định, Israel không thể ám sát thành công thủ lĩnh của một tổ chức mà nước này liệt vào danh sách khủng bố mà không có sự ngầm “chấp thuận” của Nga.

Báo Ha'aretz dẫn lời chuyên gia Amos Harel của Israel nhận định: "Câu hỏi xung quanh việc Nga biết trước chiến dịch ám sát này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ của Iran và Hezbollah".

Ông Amos Harel còn nói thêm rằng, trước đó, Moscow đã lờ đi ít nhất 3 chiến dịch cũng được cho là của Israel nhằm vào các đoàn xe chở vũ khí gần Damascus. 

Thủ tướng Netanyahu đã thăm Moscow hồi tháng 9/2015, ngay sau khi Nga can dự quân sự vào Syria, nhằm thiết lập cơ chế phòng ngừa nguy cơ va chạm giữa các chiến đấu cơ của Nga và Israel trên bầu trời Syria. Hai nhà lãnh đạo cũng gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu tại Paris (Pháp) hồi cuối tháng trước.

Thay chân Mỹ?

Israel là một đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông. Israel cũng là nước được nhận viện trợ nhiều nhất từ Mỹ, trong đó bao gồm các loại vũ khí tối tân.

Mỹ từ lâu đã được xem như là một người bảo vệ chính cho Israel, cả trong lĩnh vực quân sự lẫn ở Liên Hợp Quốc. Trong chính sách đối ngoại của Mỹ, bảo đảm cho Israel được an toàn là điều được ưu tiên. 

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái). Ảnh: vocfm.co.za

Tuy nhiên, thời gian gần đây, quan hệ giữa Israel và Mỹ lại ở trong một giai đoạn khó khăn do một vài mâu thuẫn. Có lẽ cũng đã đến lúc cả 2 nước cần đánh giá lại mối quan hệ đặc biệt của mình, chuyên gia phân tích quan hệ quốc tế Peter Weber cho biết trong một bài viết đăng trên trang The Week.

Chuyên gia Weber nhấn mạnh thêm, lúc này, Mỹ có thể tạm nghỉ và để cho một quốc gia khác trở thành “người bảo vệ” cho Israel. Không một sự lựa chọn nào khác thích hợp hơn là Nga.

Nga tuy không còn là siêu cường như trong quá khứ nhưng vẫn là một nước lớn trên toàn cầu. Những mục tiêu đầy tham vọng của Tổng thống Putin càng khiến nhiều nước khác phải kiêng dè Nga hơn trên trường quốc tế.  

Hơn thế nữa, sức mạnh quân sự của Nga không thua kém với bất kỳ nước nào. Nga có kho vũ khí lớn và tối tân, hiện đại; bao gồm các đầu đạn hạt nhân. Nếu Nga chấp thuận, Israel có thể yên tâm dưới sự bao bọc của Nga trước những mối đe dọa xung quanh.

Quay về quá khứ, Liên Xô là một trong những nước đầu tiên chính thức công nhận nhà nước Israel vào năm 1948. Tuy nhiên sau đó, hai quốc gia này dần dần lạnh nhạt với nhau từ những năm 1967- 1991. 

Khi Tổng thống Putin lên nắm quyền, ông đã có nhiều động thái quan trọng nhằm cải thiện mối quan hệ Nga- Israel. Ông Putin trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Nga đến thăm Israel vào năm 2005, và quay trở lại nước này vào năm 2012 để giúp khai trương một đài tưởng niệm các binh sỹ Do Thái từng chiến đấu trong lực lượng Hồng quân Liên Xô thời Chiến tranh Thế giới thứ II. 

Tổng thống Putin trong chuyến thăm Israel năm 2012. Ảnh: Reuters.

Có rất nhiều lý do cho sự cải thiện quan hệ giữa Nga và Israel nhưng điều quan trọng nhất vẫn là một thực tế rằng sự gần gũi bắt nguồn từ việc có đến 15% người dân Israel đến từ Liên Xô.

Nhiều người Israel đến từ Liên Xô cũ vẫn còn nói tiếng Nga, sống trong cộng đồng người Nga, đọc báo tiếng Nga và mở các doanh nghiệp phục vụ cả người Nga và người Israel.

Bên cạnh đó, chính quyền Moscow và Tel Aviv đều cùng chia sẻ một lập trường cứng rắn đối với khủng bố Hồi giáo.

Dù Nga vẫn được xem là một nước tương đối ủng hộ Palestine, nhưng ông Putin không hề lên tiếng phản đối các chiến dịch của Israel tại Dải Gaza.

Tương tự như vậy, Israel từ chối tham gia cùng Mỹ và châu Âu trong việc chỉ trích các cuộc đàn áp của ông Putin đối với những tay súng Hồi giáo ở Chechnya, thậm chí đối với cả những cáo buộc Nga can thiệp vào Ukraine.

Tham vọng của ông Putin

Kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Moscow đã mất dần ảnh hưởng của mình tại Trung Đông, nơi mà Liên Xô cũ đã đầu tư rất nhiều. Năm 1994, Nga bất lực đứng nhìn cái gọi là Cộng hòa Dân chủ Yemen, thân với Moscow - bị phe miền bắc Yemen, với sự hỗ trợ của Saudi Arabia, thâu tóm.

Năm 2003, Nga cũng không thể ngăn cản được Mỹ tấn công quân sự Iraq, lật đổ nhà độc tài Saddam Hussein, vốn là đồng minh của Moscow.

Năm 2011, việc Nga vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã cho phép các nước phương Tây và một số nước Arab can thiệp vào Libya và dẫn đến kết quả là chế độ của nhà lãnh đạo Libya Mouammar Gaddafi sụp đổ và ông này bị bắn chết. 

Nhưng đến năm 2015, Nga quay trở Trung Đông một cách ngoạn mục, chiếm lấy một vị thế quan trọng trong ván cờ chính trị ở khu vực này. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AFP).

Việc Nga can thiệp vào cuộc chiến chống khủng bố ở Syria đã giúp nước Nga cũng như là Tổng thống Putin tìm lại được chỗ đứng của mình, với vai trò là nhân tố “không thể thiếu” trong việc tìm kiếm một giải pháp cho xung đột ở khu vực.

Ông Ajdar Kourtov, Trưởng ban biên tập tạp chí “Những vấn đề chiến lược quốc gia” của Nga giải thích: “Vì lợi ích quốc gia, Nga phải hành động tại Trung Đông để tránh phải đối phó với hiểm họa Hồi giáo cực đoan ở cửa ngõ biên giới. Ngoài ra, các lãnh đạo Nga cũng khao khát giành lại được vị thế của Nga trên chính trường thế giới, tương xứng với vị thế mà Liên Xô đã có được trước đây”.

Chuyên gia về chính trị quốc tế, cây viết trên trang The Week, ông Peter Weber nhận định, trở thành “người bảo vệ cho Israel” có thể giúp ông Putin hiện thực hóa tham vọng của mình.

Về mặt kinh tế, trong khi Nga đang chật vật với đồng ruble suy giảm và lệnh trừng phạt của phương Tây, thì Israel- với một ngân sách quốc phòng lớn- có thể trở thành khách hàng hào phóng trong thị trường vũ khí của Nga.

Hơn thế nữa, việc Nga bảo hộ cho Israel cũng đồng nghĩa với việc đây là một thất bại với Mỹ, nhiều khả năng Moscow sẽ chấp thuận việc này nếu có cơ hội. Nếu chuyện này xảy ra, đây hẳn là viên thuốc khó nuốt đối với Mỹ. 

Trong bài báo đăng tại tờ The New York Observer, cây bút Lincoln Mitchell cho biết, nếu Nga có thể cho thấy họ đứng về phía Israel và chống lại các phần tử khủng bố thánh chiến Hồi giáo ở Trung Đông, chính quyền Mỹ khó có thể thông qua lệnh trừng phạt Nga hoặc kêu gọi NATO chống lại Nga, khi mà người dân Mỹ đã xem Nga là một người bạn đáng tin cậy của nhà nước Do Thái.

Tuy nhiên, hiện tại Nga vẫn là người hậu thuẫn cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng như chính quyền Iran - hai quốc gia thù địch với Israel, việc Nga gia tăng quan hệ với Israel cũng có thể đẩy Nga vào thế khó. Tất nhiên, điều này không có nghĩa Moscow sẽ không thể hỗ trợ cho chính quyền Damacus và Tehran nhưng sự hỗ trợ này sẽ chỉ ở mức vừa phải.

Tín hiệu lạc quan từ Israel

Đại sứ Israel ở Nga, ông Zvi Heifetz ngày 22/12 đã ngợi ca sự hợp tác giữa Nga và Israel trong cuộc chiến chống khủng bố. Đại sứ Israel cho hay, Tel Aviv hiểu được mối quan tâm của Moscow trong tình hình chính trị hiện tại và trong nỗ lực chống lại khủng bố quốc tế. 

Đại sứ Israel ở Nga, ông Zvi Heifetz. Ảnh: TASS

Ông Heifetz khẳng định: “Chúng tôi ủng hộ mọi hành động chống khủng bố trên thế giới. Chúng tôi đã nói đi nói lại điều này trong hơn một thế kỷ qua”.

Theo Đại sứ Heifetz, sự hỗ trợ của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố là cần thiết để “bảo vệ thế giới và các nền văn minh trước những phần tử cực đoan”.

“Chúng tôi có kinh nghiệm về điều này và chúng tôi sẵn lòng chia sẻ với bạn bè trên khắp thế giới”, ông Heifetz nói thêm.

Có một chi tiết khá thú vị trong bối cảnh Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn căng thẳng sau vụ Ankara bắn hạ một chiếc Su-24 của Moscow gần biên giới Syria, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Ya'alon cho biết cách đây ít lâu, một máy bay Nga cũng xâm nhập không phận nước này “do nhầm lẫn” và đã lập tức quay lại sau khi phi công nhận được cảnh báo.

Không giống như Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ chiếc Su-24 với cáo buộc máy bay Nga “vi phạm không phận và phớt lờ sự nhắc nhở từ phía Ankara”, Israel không hành động như vậy. Lý giải cho hành động này, theo Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Nga và Israel đã thiết lập một hệ thống thông tin liên lạc cởi mở.

Ông Ya'alon khẳng định cho đến nay chỉ có duy nhất một sự cố máy bay Nga bay vào không phận Israel nhưng đã được giải quyết ổn thỏa thông qua kênh liên lạc. Ông nói: “Máy bay Nga không có ý định tấn công chúng tôi và do đó không cần thiết phải cố ý hoặc vô tình bắn hạ chúng”./.