Thủ tướng Israel dự kiến sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào ngày 3/3, với nội dung sẽ nhấn mạnh tới thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran.
Mỹ và Israel vốn vẫn bất đồng về cách giải quyết vấn đề hạt nhân Iran, song bài phát biểu chính thức trước Quốc hội Mỹ tới đây sẽ càng khắc sâu mâu thuẫn, đe dọa tới quan hệ đồng minh truyền thống giữa 2 nước.
Thủ tướng Israel Netanyahy đã nhận lời mời của lãnh đạo Đảng Cộng hòa, có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào thứ Ba (3/3), không thông qua chương trình nghị sự, điều này khiến cho chính quyền Obama tức giận vì sự “vi phạm giao thức ngoại giao” một cách rõ ràng.
Tuần trước, trả lời phỏng vấn báo chí, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama, bà Susan Rice cho rằng, chuyến thăm và bài phát biểu của ông Netanyahu sẽ "phá hoại mối quan hệ đồng minh Mỹ-Israel".
Trả lời phỏng vấn của chương trình “This week” (tạm dịch là Sự kiện tuần này- BTV) của Đài ABC, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói: "Chúng ta chào mừng Thủ tướng Israel đến nói chuyện tại Hoa Kỳ, điều đó là rõ ràng. Chúng ta có mối quan hệ hợp tác về vấn đề an ninh với Israel gần gũi hơn bao giờ hết".
Cũng trong hôm thứ Bảy, trong một bài phát biểu tại Bức tường phía Tây Jerusalem, ông Netanyahu nói: "Tôi muốn nhân cơ hội này để nói rằng tôi tôn trọng Tổng thống Mỹ Barack Obama". Ông nói thêm rằng ông tin tưởng vào mối quan hệ song phương mạnh mẽ và nói: "Mối quan hệ mạnh mẽ đó sẽ vượt lên trên những khác biệt về quan điểm trong quá khứ cũng như trong tương lai".
Ông Netanyahu đã không nói lại những lời đó khi xuất hành đi Mỹ vào hôm Chủ Nhật. Thủ tướng Israel đang chịu áp lực chạy đua cho cuộc tái bầu cử vào ngày 17/3, coi chuyến đi của mình là nhiệm vụ chính trị và ông miêu tả mình như là một người bảo vệ cho tất cả người Do Thái.
"Tôi đến Washington với một nhiệm vụ mang tính định mệnh và lịch sử", Reuters dẫn lời Thủ tướng Israel nói khi ông bước lên máy bay ở Tel Aviv. "Tôi cảm thấy rằng tôi là một sứ giả của người dân Israel, kể cả những người không đồng ý với tôi, và của toàn dân Do Thái", ông nói với các phóng viên.
Ông Netanyahu dự định dùng bài phát biểu của mình để thúc giục Quốc hội Mỹ chấp thuận các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran, bất chấp cam kết của Tổng thống Obama sẽ phủ quyết bởi vì điều này sẽ gây nguy hiểm cho các cuộc đàm phán hạt nhân.
Các quan chức Mỹ lo ngại ông Netanyahu tìm cách phá vỡ chính sách ngoại giao Iran, và các nhà phân tích cho rằng chuyến thăm của ông là nhằm “ghi điểm” với các cử tri cho cuộc bầu cử sắp tới.
Trong nửa cuối nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Mỹ Obama và các trợ lý coi thỏa thuận hạt nhân Iran là một thành tựu của chính sách đối ngoại.
Trong khi Nhà Trắng và các quan chức Israel nhấn mạnh rằng các mối quan tâm chung và hợp tác giữa 2 nước trong lĩnh vực trọng yếu như chống khủng bố, chia sẻ thông tin tình báo, an ninh mạng… sẽ không bị ảnh hưởng bởi những bất đồng về vấn đề hạt nhân Iran. Song sự chia rẽ đã khiến mối quan hệ đồng minh truyền thống giữa 2 nước trở nên tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Trước đây, Israel đã luôn thận trọng trong việc dung hòa giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ. Việc Thủ tướng Israel sẽ phát biểu trước Quốc hội đã khiến một số đảng viên Dân chủ trong Quốc hội không hài lòng. Theo ước tính không chính thức, sẽ có khoảng ba chục đảng viên đảng Dân chủ có kế hoạch tẩy chay các bài phát biểu.
Chuyến thăm của Thủ tướng Israel tới Mỹ diễn ra chỉ 4 tuần trước thời hạn chót cho một thỏa thuận khung về vấn đề hạt nhân Iran vào ngày 31/3. P5+1 và Iran đang tiến hành các bước đàm phán và dự kiến đạt được các thỏa thuận mang tính kỹ thuật muộn nhất là ngày 30/6./.