Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 14/4 đã chính thức đề nghị với Quốc hội về việc loại bỏ Cuba khỏi danh sách của các nước tài trợ khủng bố. Giới quan sát đánh giá, đây là một bước đi quan trọng nhằm tiến gần hơn đến việc bình thường hoá quan hệ giữa 2 nước.
Trong thông điệp gửi đến Quốc hội, Tổng thống Obama cho biết, trong 6 tháng qua, chính quyền Cuba “đã không cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ nào cho chủ nghĩa khủng bố quốc tế và chính phủ Cuba cũng đã đảm bảo sẽ không hỗ trợ các hoạt động khủng bố quốc tế trong tương lai”.
Theo quy định, Quốc hội Mỹ sẽ có 45 ngày để đưa ra quyết định cuối cùng về việc có đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố hay không. Tuy nhiên, nếu bị giới lập pháp phản đối, ông Obama có thể sử dụng quyền phủ quyết của Tổng thống.
Ở thời điểm hiện tại, quyết định này của Tổng thống Obama thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận.
Cả 2 nước đều nhìn nhận quyết định của ông Obama là đúng đắn
Thông báo của Tổng thống Obama được đưa ra ba ngày sau khi ông có cuộc gặp kéo dài một giờ với Chủ tịch Cuba Raul Castro. Cuộc hội đàm này được Tổng thống Obama ca ngợi là “lịch sử” giữa lãnh đạo hai nước trong hơn nửa thế kỷ qua.
Nếu được đưa ra khỏi danh sách trên, Cuba sẽ được tiếp cận với hệ thống ngân hàng Mỹ và các định chế tài chính khác trên thế giới, đồng thời cho phép 2 nước mở Đại sứ quán và mở đường cho hợp tác thương mại sau này.
Đêm 14/4, Vụ trưởng Vụ các vấn đề Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Cuba, bà Josefina Vidal bày tỏ sự ủng hộ đối với động thái trên của ông Obama: “Chính phủ Cuba ủng hộ việc Tổng thống Mỹ chính thức đề xuất đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước hỗ trợ khủng bố, mà đáng lẽ Cuba không bao giờ có tên trong danh sách đó”.
“Như chính quyền Havana đã tuyên bố nhiều lần, Cuba phản đối và lên án mọi hành động khủng bố dưới mọi hình thức, cũng như bất kỳ hành động nào nhằm khuyến khích, hỗ trợ, tài trợ và che giấu khủng bố”, bà Josefina Vidal nhấn mạnh.
Cuba bị Mỹ đưa vào danh sách tài trợ chủ nghĩa khủng bố, trong đó có Syria, Sudan và Iran, vào năm 1982 với lý do che giấu quân ly khai xứ Basque (Tây Ban Nha) và lực lượng nổi dậy FARC của Colombia.
Không chỉ giới chức Havana, các cơ quan chính phủ Mỹ, trong đó có cả cơ quan tình báo đều cho rằng Cuba nên được xóa tên khỏi danh sách này.
“Đáng lẽ ra Cuba không bao giờ có tên trong danh sách khủng bố”
Trên thực tế các tác động pháp lý liên quan đến việc nằm trong danh sách tài trợ khủng bố đối với Cuba không nhiều, tuy nhiên, đối với người dân Cuba, việc đất nước ở trong danh sách các nước hỗ trợ khủng bố là một sự bôi nhọ với danh dự của họ. Người dân Cuba luôn tin rằng, đất nước của họ là đất nước yêu hoà bình, và cũng luôn phản đối những vụ khủng bố tàn ác trên thế giới.
Theo bà Vidal, Vụ trưởng Vụ các vấn đề Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Cuba, đáng ra Cuba không bao giờ nằm trong danh sách đó vì Cuba là nạn nhân của hàng trăm vụ khủng bố, theo đó 3.478 người thiệt mạng, 2.099 người Cuba bị tàn tật do hậu quả các hành động khủng bố này.
Hẳn người dân Cuba vẫn chưa quên vụ đánh bom đẫm máu ngày 6/10/1976 nhằm vào một chiếc máy bay của hãng hàng không Cubana Airlines trên bầu trời Barbados khiến 73 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Thế nhưng, thay vì giao nộp khủng bố khét tiếng Luis Posada Carriles, kẻ chủ mưu vụ đánh bom tại Barbados và hàng loạt hành động khủng bố khác nhằm vào Cuba, Mỹ đã bao che cho tên này khi tên này chạy trốn sang Mỹ.
Nhiều năm qua, Cuba vẫn kêu gọi trả lại công lý cho các nạn nhân của vụ khủng bố nói trên. AP cũng dẫn lời goá phụ của một thành viên thuộc phi hành đoàn trên chuyến bay định mệnh 1976, bà Iraida Malberti, năm nay đã 78 tuổi cay đắng chia sẻ: “Đáng lẽ không bao giờ Cuba có tên trong danh sách các nước hỗ trợ khủng bố. Không một quyết định nào có thể khiến các nạn nhân quay trở lại cuộc sống, xoá bỏ sự đau đớn mà chúng tôi phải gánh chịu”.
Không để quá khứ cầm tù
Sau hàng chục năm đối đầu, Mỹ và Cuba giờ đang bước sang trang lịch sử mới. Bắt đầu từ tháng 12/2014, cả 2 nước đều nhất trí sẽ tiến hành từng bước để bình thường hoá quan hệ.
Ngày 11/4, Chủ tịch Cuba Raul Castro đã có cuộc hội đàm riêng trong vòng 1 tiếng đồng hồ với Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ (OAS).
Ngày 14/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama chính thức đề nghị lên Quốc hội đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố. Đây là một bước tiến quan trọng để hai nước gần nhau hơn nữa, loại bỏ bớt trở ngại để 2 nước có thể bình thường hoá quan hệ.
Với việc quyết định đưa Cuba ra khỏi danh sách bảo trợ khủng bố, quan chức hai bên hy vọng có thể mở cửa trở lại Đại sứ quán tại mỗi nước. Không còn ở trong danh sách khủng bố cũng có thể sẽ khiến Cuba dễ dàng hơn để có được nguồn tín dụng từ các ngân hàng ngoài nước Mỹ, chuyển tiền giữa các quốc gia và tiến hành một loạt các giao dịch tài chính quốc tế khác.
Trước đó, phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị OAS, ông Obama tuyên bố: “Nước Mỹ sẽ không để quá khứ cầm tù. Chúng tôi đang hướng tới tương lai. Tôi không quan tâm tới những trận chiến bắt đầu trước khi tôi ra đời. Chiến tranh Lạnh đã qua lâu rồi”.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, thay đổi chính sách có thể là một bước ngoặt đối với toàn bộ khu vực Mỹ Latinh./.