Trụ sở Đại sứ quán Cuba tại Washington, Mỹ. Ảnh: AP |
Ngày 20/7, Mỹ và Cuba sẽ chính thức bình thường hóa quan hệ, với việc mở cửa trở lại Đại sứ quán tại mỗi nước sau 54 năm.
Lần đầu tiên kể từ năm 1961, khi hai nước quyết định cắt đứt các mối quan hệ, cờ Cuba sẽ lại tung bay trên nóc tòa nhà Đại sứ quán ở thủ đô Washington và trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ bên cạnh quốc kỳ những nước mà Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao.
Ông Bruno Rodriguez cũng là Ngoại trưởng Cuba đầu tiên đến thăm Mỹ kể từ năm 1958. Đây là bước đi mang tính biểu tượng cao cho thấy sự tan băng trong mối quan hệ giữa 2 nước đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro khởi xướng hồi cuối năm ngoái.
Cũng trong ngày 20/7, tại thủ đô La Habana, Đại sứ quán Mỹ cũng mở cửa lại, tuy nhiên buổi lễ chính thức đánh dấu sự kiện này sẽ được tổ chức vào tháng 8 tới khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dự kiến có chuyến thăm Cuba.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (phải) gặp người đồng cấp Israel Moshe Ya'alon. Ảnh: AP |
Tối 19/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã đặt chân đến Tel Aviv - chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du các nước Trung Đông gồm Israel, Saudi Arabia và Jordan. Tại Israel, ông Ashton đã có cuộc gặp với người đồng cấp nước chủ nhà Moshe Yaalon ngày 20/7.
Ông Carter là thành viên đầu tiên trong nội các trong chính quyền tổng thống Mỹ Obama tới thăm Israel kể từ sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tuần trước.
Phát biểu trong chuyến thăm Israel, ông Carter cho biết, Mỹ vẫn có thế sử dụng hành động quân sự để ngăn Iran phát triển bom hạt nhân, bất chấp Iran và nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử vào ngày 14/7 vừa qua.
Phát biểu trên của ông Carter được cho là nhằm xoa dịu mối lo ngại của Israel, đồng minh chính của Mỹ tại Trung Đông vốn phản đối mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân Iran.
Tuy nhiên, ông Carter thừa nhận mình "không có ý định thay đổi ý kiến của bất kỳ người nào tại Israel". Thay vào đó, vị bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh Washington sẽ không giảm bớt tinh thần sẵn sàng bảo vệ Israel.
"Một trong những lý do khiến thỏa thuận (hạt nhân Iran) này là thỏa thuận tốt vì nó không ngăn cản khả năng hành động quân sự… Nó giúp loại bỏ yếu tố nguy hiểm then chốt, mối đe dọa và tình trạng không ổn định tại khu vực" - ông Carter nói với báo giới.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran, Marzieh Afkham. Ảnh: middleastmonitor |
Liên quan đến những bất đồng giữa Iran và Israel, Bộ Ngoại giao Iran ngày 20/7 đã lên tiếng từ chối lời kêu gọi của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel về việc công nhận Nhà nước Do Thái Israel.
Trước đó, trong một tuyên bố khi bắt đầu chuyến thăm 3 ngày đến Tehran hôm qua (19/7), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel đã nói rằng, nếu Iran muốn thiết lập mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Đức và các cường quốc phương Tây khác thì nước này cần phải cải thiện quan hệ với Nhà nước Do Thái Israel.
Tuy nhiên, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Iran Marzieh Afkham khẳng định rằng, “đối với một số vấn đề ở Trung Đông, Iran có chính sách khá khác biệt so với Đức và Tehran đã làm rõ điều này trong suốt 35 năm qua”.
Các ngân hàng Hy Lạp đã mở cửa trở lại sau 3 tuần đóng cửa. Ảnh: AP |
Ngày 20/7, Hy Lạp cuối cùng cũng mở cửa trở lại các ngân hàng từ 8h sáng theo giờ địa phương (tức 12 giờ trưa theo giờ Việt Nam).
Tuy nhiên các ngân hàng vẫn duy trì các biện pháp kiểm soát vốn như cấm chuyển khoản hay giới hạn rút tiền mặt.
Trong một sắc lệnh ban hành hôm 18/7 vừa qua, chính phủ Hy Lạp đã giữ giới hạn tiền mặt được rút ra ở mức 60 euro nhưng đi kèm với một giới hạn hàng tuần. Các khách hàng cũng chưa thể đổi séc ra tiền mặt mà chỉ có thể chuyển thẳng vào tài khoản của họ. Ngoài ra, các ngân hàng Hy Lạp cũng chưa cho phép mở tài khoản mới vào lúc này hay rút tiền mặt khi ở nước ngoài.
Đây là một trong những biện pháp đầu tiên trong gói thắt lưng buộc bụng mà Hy Lạp phải làm theo yêu cầu của chủ nợ. Quốc hội nước này cũng nhất trí tiến hành những biện pháp cải cách sâu hơn nữa đối với hệ thống tiền lương như dần dần loại bỏ tất cả các phương án nghỉ hưu sớm.
Ngoài ra, nhiều mặt hàng và dịch vụ ở Hy Lạp sẽ trở nên đắt đỏ hơn do áp dụng Thuế giá trị gia tăng (VAT) mới được Quốc hội thông qua giữa tuần trước. Những mặt hàng này bao gồm các lương thực thực phẩm thiết yếu như thịt, dầu nấu ăn, trà, cà phê, muối, phân bón… với mức tăng từ 13 % đến 23%.
Ông Kim jong-un duyệt đội danh dự quân đội Triều Tiên. Ảnh: Reuters |
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vừa từ chối lời mời của phía Hàn Quốc về việc tham gia Đối thoại Quốc phòng Seoul diễn ra vào ngày 9/9 tới, cũng như các hoạt động tiếp xúc giữa Chủ tịch Quốc hội 2 nước.
Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc mời Triều Tiên tham dự Đối thoại quốc phòng Seoul kể từ khi diễn đàn này được tổ chức năm 2012. Dự kiến khoảng 250 quan chức quân sự từ 32 quốc gia sẽ tham gia đối thoại này.
Tuy nhiên, Ủy ban Thống nhất hòa bình của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ngày 20/7 ra tuyên bố cho rằng, lời mời Bình Nhưỡng tham gia đối thoại của phía Hàn Quốc chỉ là một “thủ đoạn chính trị”. Theo Ủy ban này, quan hệ liên Triều đang ở mức độ mà cả 2 bên không thể đối mặt với nhau.
Bình Nhưỡng nhấn mạnh, để tổ chức được các cuộc đối thoại quốc phòng có sự tham gia của cả 2 miền Triều Tiên như đề xuất của Hàn Quốc và hâm nóng mối quan hệ liên Triều thì trước tiên cần phải có một bầu không khí thích hợp.
|
Fanning may mắn không bị thương sau khi đấm con cá mập rồi bơi đi thật nhanh. Video ghi lại cảnh cá mập tấn công người cho thấy vây cá nổi lên mặt nước. Nó xuất hiện từ phía sau Fanning khi anh đang ôm tấm ván.
"Tôi có linh tính rằng thứ gì đó đang ở sau mình và đột nhiên tôi bị kéo đi dưới nước. Sau đấy, mọi thứ xảy ra", Fanning kể.
Fanning cho hay anh trông thấy vây nhưng không nhìn thấy răng của nó. Sau khi đấm vài nhát vào lưng cá mập và dây buộc chân Fanning với ván bị đứt, anh cố gắng bơi thật nhanh về phía nhân viên cứu hộ.
Fanning được môtô nước đón và đưa lên bờ an toàn./.