Mỹ và Cuba ngày 20/7 sẽ xóa đi một trong những vết tích cuối cùng của thời kì Chiến tranh Lạnh khi hai bên khôi phục mối quan hệ ngoại giao đóng băng trong một nửa thế kỉ qua. Lá cờ xanh đỏ với sao trắng của Cuba ngày 20/7 sẽ tung bay bên ngoài Đại sứ quán mới được nâng cấp tại thủ đô Washington lần đầu tiên kể từ khi hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 1961. 

Một buổi lễ sẽ diễn ra ngày 20/7 tại Đại sứ quán Cuba với khoảng 500 khách mời, bao gồm 30 thành viên đoàn ngoại giao, văn hóa cùng quan chức Cuba với sự tham dự của Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez. Buổi lễ cũng có sự tham dự của Trợ lí ngoại trưởng Mỹ về các khu vực Tây Bán cầu Roberta Jacobson. 

cuba_mo_cua_dai_su_quan_o_thu_do_washington_my_vdbo.jpg
Người dân Cuba hoan nghênh việc mở đại sứ quán với Mỹ. (ảnh: Getty).

Sau buổi lễ, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez sẽ cuộc gặp người đồng cấp Mỹ John Kerry. Đây là lần đầu tiên một Ngoại trưởng Cuba đến thăm Mỹ kể từ năm 1959. Đại sứ quán Mỹ tại Thủ đô La Habana, Cuba cũng bắt đầu hoạt động ngày 20/7 nhưng không có nghi lễ chính thức. Hoạt động này sẽ được tổ chức trong chuyến thăm Cuba của Ngoại trưởng Kerry vào tháng 8 tới.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba với lịch sử hơn 50 năm bất đồng đang được cải thiện nhanh chóng chỉ vài tháng sau khi nhà lãnh đạo hai nước nhất trí hợp tác với nhau một cách bình đẳng. Tổng thống Mỹ Barak Obama thừa nhận, chính sách của Mỹ nhằm kiểm soát Cuba thông qua cô lập và hạn chế thương mại đã thất bại. Hợp tác với La Habana là một cách tốt hơn theo hướng dân chủ và thịnh vượng.

Người dân hai nước Cuba và Mỹ đều bày tỏ hoan nghênh và chờ đón dấu mốc lịch sử này. Jeremy Rechtein, một người dân Mỹ  bày tỏ: “Đây thực sự là một điều tốt cho mối quan hệ hai nước. Đã hơn 50 năm hai nước không đối thoại, không mối quan hệ. Vì vậy việc mở cửa Đại sứ quán này là sự khởi đầu và chúng tôi đang rất chờ đón và hy vọng những diễn biến tích cực tiếp theo”.

Đối với nhiều người dân Cuba, nối lại mối quan hệ ngoại giao với Mỹ sẽ là cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, thu hút nhiều nguồn đầu tư nước ngoài đến với quốc đảo này. Theo các số liệu gần đây, tốc độ phát triển kinh tế của Cuba trong nửa đầu năm nay là 4,7%, tăng so với dự báo 4% tháng trước. 

Omar Everleny, chuyên gia kinh tế Cuba nhận định: “Những số liệu là minh chứng rõ nhất cho những lợi ích của việc nối lại quan hệ ngoại giao song phương. Trong 6 tháng đầu năm nay, du khách Mỹ đến Cuba tăng khoảng 50%. Nếu xu hướng này tiếp tục đến cuối năm, tôi nghĩ thực sự đó là một bước tiến  đáng kể, đặc biệt cho ngành du lịch Cuba”.

Mặc dù vậy, giới chức hai nước cũng cho rằng , mở cửa trở lại Đại sứ quán chỉ là sự khởi đầu cho con đường cải thiện mối quan hệ song phương. Vẫn có nhiều giới hạn đối với việc người Mỹ muốn đến Cuba. Lệnh cấm vận thương mại của Mỹ áp đặt hơn 50 năm qua cấm hầu hết các công ty của Mỹ hợp tác với Cuba vẫn còn hiệu lực. 

Chủ tịch Cuba Raul Castro hối thúc Tổng thống Mỹ Brack Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại, gọi đây là vật cản chính hướng đến bình thường hóa quan hệ. Nhà cựu ngoại giao Mỹ tại Cuba Wayne Smith cũng cho rằng, còn nhiều vấn đề cần giải quyết sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ.

“Sau khi mở cửa trở lại Đại sứ quán, hai nước sẽ có các cuộc đối thoại thường xuyên. Tuy nhiên lệnh cấm vận thương mại vẫn có hiệu lực. Hai bên sẽ không thể có mối quan hệ bình thường khi lệnh cấm này tiếp diễn. Cuba cũng khẳng định cần phải dỡ bỏ lệnh cấm vận. Vì vậy, sẽ là một quá trình khó khăn để dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại vì điều này phải nhận được sự tán thành của quốc hội Mỹ”, ông Wayne Smith nói.

Một trong những rào cản khác trên con đường bình thường hóa quan hệ song phương đó là vấn đề nhân quyền, với việc Mỹ yêu cầu Cuba cải thiện tự do ngôn luận, tôn giáo và báo chí. Một số nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ đối với cách tiếp cận của Tổng thống Obama với Cuba.

Ngoài ra, hai bên cũng cần phải thảo luận về yêu cầu của Cuba trả lại căn cứ quân sự Guantanamo và bồi thường thiệt hại kinh tế do lệnh cấm vận của Mỹ. Tuy nhiên với những kết quả đã đạt được, Mỹ và Cuba chắc chắn sẽ có sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận để giải quyết những bất đồng này./.