Bộ Ngoại giao Iran hôm nay (20/7) lên tiếng từ chối lời kêu gọi của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel về việc công nhận Nhà nước Do Thái Israel.

phat_ngon_vien_ngoai_giao_iran_afkham_yshd.jpg
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran, Marzieh Afkham (ảnh: middleastmonitor)

Trước đó, trong một tuyên bố khi bắt đầu chuyến thăm 3 ngày đến Tehran hôm qua (19/7), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel đã nói rằng, nếu Iran muốn thiết lập mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Đức và các cường quốc phương Tây khác thì nước này cần phải cải thiện quan hệ với Nhà nước Do Thái Israel.

Tuy nhiên, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Iran Marzieh Afkham khẳng định rằng, “đối với một số vấn đề ở Trung Đông, Iran có chính sách khá khác biệt so với Đức và Tehran đã làm rõ điều này trong suốt 35 năm qua”.

Bà Marzieh Afkham cũng cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm của Phó Thủ tướng Đức Gabriel, Iran sẽ giải thích những mối quan ngại của nước này về tình hình hiện nay ở khu vực cùng những gì mà Tehran cho là “mối đe dọa đến từ Israel”.

Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel là quan chức kinh tế đầu tiên từ các nước phương Tây đến thăm Iran sau khi Tehran đạt được thỏa thuận hạt nhân tổng thể và lâu dài với nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) hồi tuần trước.

Ông Gabriel dự kiến thảo luận với các nhà lãnh đạo nước chủ nhà về quan hệ kinh tế của Iran sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ theo thỏa thuận trên. Ông đã gặp Bộ trưởng Dầu lửa Bijan Zangeneh hôm nay và dự kiến gặp Tổng thống Hassan Rowhani cùng các quan chức khác của Iran sau đó.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel cũng cho biết sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải cho việc cải thiện quan hệ giữa Israel và Iran.

Trong chuyến thăm Iran kéo dài 3 ngày, được tháp tùng bởi một phái đoàn gồm đại diện đến từ các công ty, tập đoàn công nghiệp và giới khoa học này, Phó Thủ tướng Đức sẽ hội đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani cùng nhiều quan chức cấp cao Iran về thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được ngày 14/7 vừa qua.

Ông Gabriel khẳng định thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức đã tạo dựng nền tảng cho việc bình thường hóa quan hệ kinh tế với Iran với điều kiện các bên nghiêm túc thực hiện các điều khoản đã cam kết.

Đức và Iran từng có quan hệ trao đổi thương mại khăng khít song bị ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo thống kê, thương mại hai chiều trong năm 2014 là 2,6 tỷ USD, giảm mạnh so với 8,6 tỷ USD trong giai đoạn 2003-2004./.