Ngoài ra, thỏa thuận này cũng cho phép Mỹ đóng 2.500 binh sỹ thủy quân lục chiến (hơn gấp đôi hiện nay) cũng như mở đường cho không lực Mỹ hoạt động tại căn cứ quân sự của Australia.
Thỏa thuận nói trên được ký kết tại Hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng Ngoại Giao-quốc phòng giữa Mỹ và Australia.
Theo Reuters, tại cuộc gặp 2+2 giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel với hai người đồng cấp Australia là Ngoại trưởng Julie Bishop và Bộ trưởng Quốc phòng David Johnston, hai bên nhất trí kế hoạch cho máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tại căn cứ không quân gần thành phố Darwin ở phía Bắc Australia.
Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí việc tăng cường hợp tác quân sự cũng như các đề xuất thiết lập hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa đạn đạo rộng lớn hơn để bảo vệ các đồng minh của Mỹ tại khu vực châu Á.
Theo Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, kế hoạch và các đề xuất này là một phần trong các bước đi của chính quyền Tổng thống Obama tăng cường quan hệ quốc phòng với các đồng minh trong khu vực.
Ông Hagel nói: “Mỹ có lợi ích ở đây, và chúng tôi sẽ tiếp tục có lợi ích ở đây. Chúng tôi có sức mạnh tại Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ không đi đâu cả. Các quan hệ đối tác của chúng tôi ở đây, các cam kết hiệp ước của chúng tôi ở đây và những điều đó quan trọng với chúng tôi".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel cũng nhấn mạnh, kế hoạch gia tăng hợp tác quốc phòng Mỹ-Australia là nhằm tái khẳng định chính sách “tái cân bằng” của Mỹ với châu Á-Thái Bình Dương.
Hiện tại, theo thỏa thuận về hợp tác quốc phòng Mỹ-Australia, Mỹ hàng năm vẫn đang triển khai 1.150 binh lính, chủ yếu là thủy quân lục chiến tại căn cứ quân sự Darwin.
Theo kế hoạch, Mỹ sẽ tăng hơn gấp đôi, lên 2.500 binh lính, trong đó có binh lính không quân và bộ binh tại căn cứ không quân ở phía Bắc Australia vào năm 2017. Thỏa thuận còn bao gồm cả các chi tiết về việc chi phí xây dựng thêm các doanh trại và các cơ sở quân sự tại Darwin.
Ngoài ra, cuộc họp 2+2 giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước cũng nhất trí nêu quan ngại về mối đe dọa của các chiến binh thánh chiến Hồi giáo ở Syria, Iraq cũng như ở các nơi khác lên Liên Hợp Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry nêu rõ, hai nước có ý định cùng nêu vấn đề đó tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc vào tháng này./.